(HNM) - Giá thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm liên tiếp tăng nhanh từ những ngày đầu tháng 10-2019 đến nay và dự báo sẽ có “kỷ lục” mới khi nhu cầu của người tiêu dùng tăng vào những tháng cuối năm. Diễn biến của bệnh dịch và thực tế tổn thất của ngành chăn nuôi đã đặt ra những lo ngại về bảo đảm nguồn cung từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp Tết Nguyên đán sắp tới - vốn là thời điểm tiêu dùng thịt tăng cao.
Sức "nóng" của giá thịt lợn xuất phát từ những bất ổn do bệnh Dịch tả lợn châu Phi hoành hành, đã "cướp đi" gần 6 triệu con lợn, làm giảm 8% tổng đàn, khiến sản lượng thịt lợn bán ra thị trường giảm mạnh.
Đến nay, dù bệnh Dịch tả lợn châu Phi đã được hạn chế, nhưng vẫn có diễn biến phức tạp, để lại hậu quả dài lâu. Điều dễ thấy là nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã “thiệt đơn, thiệt kép” khi vội tái đàn, trong khi nhiều hộ khác lại nghe ngóng nên chưa dám chăn nuôi trở lại... Thực tế này đã khiến thị trường thực phẩm bị thiếu hụt một lượng lớn thịt lợn - loại thực phẩm tiêu dùng quen thuộc của người Việt Nam.
Trong khi đó, với những hộ chăn nuôi, những trang trại còn giữ được đàn lợn thịt an toàn cũng chỉ bán ra cầm chừng để chờ thời cơ được giá cao hơn. Chưa kể, nhu cầu thị trường Trung Quốc đang thu mua lợn với giá cao, cũng gây sức ép không nhỏ cho thị trường thịt lợn trong nước…
Câu chuyện giá thịt lợn tăng cao đã vào đến mâm cơm của nhiều gia đình và là mối lo ngại với cơ quan chức năng trong việc bình ổn giá thị trường. Điều này đặt ra vấn đề lớn với ngành chăn nuôi, làm sao để luôn giữ được mức độ ổn định với nguồn cung thịt lợn ở mọi thời điểm... Muốn vậy, ngành chăn nuôi cần tính đến những giải pháp căn cơ từ gốc và có sự phối hợp đồng bộ để giải quyết.
Trước mắt, các ngành chức năng cần thực hiện hiệu quả ngay ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, về tình hình giá thịt lợn có xu hướng tăng cao. Theo đó, các bộ, ngành chức năng có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung - cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020...
Song song đó, việc cần thực hiện ngay thời điểm này là các cơ quan chuyên môn cần hướng dẫn cụ thể các địa phương kiểm soát dịch bệnh, tái đàn một cách phù hợp tại những cơ sở bảo đảm an toàn. Để việc này đạt kết quả, việc cung cấp con giống chất lượng cũng phải được tính toán triệt để, tránh để thiếu hụt, gây khó khăn cho người chăn nuôi.
Về lâu dài, để giúp người tiêu dùng tránh lệ thuộc quá nhiều vào nguồn thực phẩm thịt lợn, cần thúc đẩy việc tái cấu trúc ngành chăn nuôi theo hướng đa dạng các nguồn gia súc, gia cầm khác và chuyển hướng sang một nền chăn nuôi thích ứng với xu thế phát triển của thế giới. Trong đó, vấn đề cốt lõi là chuyển từ chăn nuôi truyền thống nhỏ lẻ, hộ gia đình sang nền chăn nuôi công nghiệp hiện đại...
Để hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có những quy định cụ thể về thú y; về việc cấm vận chuyển gia súc, gia cầm sống, chỉ được vận chuyển thịt đông lạnh đã được kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm...
Đồng thời, cần nhanh chóng hình thành quy hoạch các vùng chăn nuôi phù hợp với thế mạnh của từng địa phương và có chính sách cụ thể đối với các thành phần tham gia chăn nuôi như: Vùng chăn nuôi, khu vực chăn nuôi…
Chỉ bằng những giải pháp xử lý tận gốc, thúc đẩy chuyển đổi chăn nuôi theo hướng công nghiệp, hiện đại…, ngành chăn nuôi mới giữ đúng nhịp phát triển, đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.