(HNM) - Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, trong 7 tháng đầu năm, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 119 nghìn tỷ đồng, đạt 38,6% kế hoạch vốn năm 2017.
Việc giải ngân kịp thời vốn đầu tư công sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ các dự án. Ảnh: Sơn Hà |
Bảy tháng, giải ngân mới đạt 38,6% kế hoạch
Số liệu thống kê mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước 7 tháng đầu năm 2017 đạt 119 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% kế hoạch vốn năm 2017 đã được Thủ tướng Chính phủ giao (hơn 309 nghìn tỷ đồng), cao hơn so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, nếu so với tổng số vốn kế hoạch năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội (357 nghìn tỷ đồng), thì giải ngân 7 tháng mới đạt khoảng 33,4%, tương đương cùng kỳ năm trước.
Nhận xét về tiến độ này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, việc giải ngân vốn đầu tư công được Thủ tướng đốc thúc quyết liệt trong thời gian qua. Tính hết tháng 7, việc giải ngân có tăng so với thời điểm tháng 6 nhưng chưa đạt yêu cầu và nhiều bộ, ngành giải ngân giảm so với cùng kỳ năm trước.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, nhưng quan trọng nhất là do phân bổ vốn chậm. Đến trung tuần tháng 2-2017, vẫn còn 13/45 bộ, cơ quan trung ương và 7/63 địa phương chưa triển khai phân bổ vốn đầu tư đến từng dự án. PGS.TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng, giải ngân vốn đầu tư công chậm vì bất cứ lý do gì thì cũng đều dẫn đến tình trạng những tháng đầu năm các dự án phải làm cầm chừng hoặc phải đi vay, sau đó “vắt chân lên cổ” vào những tháng cuối năm để hoàn thành tiến độ dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Ông Vũ Đức Hiệp, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước cho biết, Kho bạc Nhà nước đề xuất quy định tỷ lệ giải ngân tối thiểu của từng dự án và của từng bộ, ngành, địa phương đến hết ngày 30-9-2017. Hết thời hạn này, dự án nào có tỷ lệ giải ngân dưới 30%, trừ dự án giao kế hoạch vốn năm 2017 sau ngày 31-3-2017; dự án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn trong năm 2017; dự án có hợp phần hoặc tiểu dự án giải phóng mặt bằng thì kiên quyết không giao kế hoạch vốn năm 2018. Đối với các bộ, ngành địa phương đến ngày 30-9-2017 có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn năm 2017, sau khi đã loại trừ những
dự án nêu trên, thì điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2017 giữa các bộ, ngành hoặc giữa các địa phương đối với nguồn vốn trung ương giao cho địa phương quản lý hoặc thu hồi để giảm bội chi ngân sách nhà nước.
Tại cuộc họp Chính phủ tháng thường kỳ vừa diễn ra đầu tháng 8, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường huy động, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư, từ đó phấn đấu tổng đầu tư toàn xã hội tương đương 34%-35% GDP. Các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm việc chậm giải ngân; đồng thời phân tích, báo cáo rõ nguyên nhân, đặc biệt ở các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia và đề xuất giải pháp khắc phục hiệu quả ngay trong những tháng cuối năm.
Không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán
Việc giải ngân vốn đầu tư tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thu nhập của người lao động. |
Cùng với chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ngày 3-8-2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 70/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công.
Một trong những giải pháp được nêu tại Nghị quyết 70/NQ-CP là không áp dụng quy định tiết kiệm 10% tổng mức đầu tư dự án đã nêu tại Nghị quyết 89/NQ-CP ngày 10-10-2016 đối với các dự án đã đấu thầu và giá trị đấu thầu đạt trên 90%, các dự án có khối lượng hoàn thành trên 90%, các dự án hoàn thành đã bàn giao đưa vào sử dụng, các dự án đã thực hiện tiết kiệm 10% trong quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư...
Tại Nghị quyết 70/NQ-CP, Chính phủ cũng yêu cầu các bộ, ngành và địa phương chủ động có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc đền bù, giải phóng mặt bằng, đấu thầu nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công. Đối với các dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng, phải khẩn trương phê duyệt quyết toán, giải ngân hết số vốn cho các nhà thầu theo nội dung hợp đồng; chủ động rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn năm 2017 của các dự án chậm tiến độ và giải ngân sang các dự án khác có nhu cầu, có tiến độ giải ngân tốt, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo Kho bạc Nhà nước thanh toán cho các dự án khi đủ điều kiện giải ngân trong thời hạn 4 ngày làm việc; phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư xử lý các vướng mắc phát sinh, không dồn vốn vào cuối năm mới thanh toán.
Nhận xét về tốc độ giải ngân những tháng đầu năm, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Tổ trưởng Tổ công tác của Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cho rằng, đây là một trong những điểm yếu đáng lưu ý. Việc giải ngân chậm sẽ tác động tiêu cực tới sản xuất, thu ngân sách và cả thu nhập người lao động. Nếu tính cả vốn năm trước chuyển sang năm nay thì hiện có khoảng 300.000
tỷ đồng tồn đọng. Đây là nguồn “vốn mồi” để huy động thêm nguồn lực từ xã hội. Bởi vậy, nếu khoản này được giải ngân, nền kinh tế thậm chí có thể có thêm khoảng 1 triệu tỷ đồng. Con số này rất lớn bởi GDP từ đầu năm tới nay cũng chỉ khoảng 2 triệu tỷ đồng. Với việc ban hành Nghị quyết 70-NQ/CP, dự kiến "điểm nghẽn" về đầu tư công sẽ được xử lý, góp phần khơi thông nguồn vốn cho nền kinh tế.
Tại phiên họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty sáng 12-8, một lần nữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, để hoàn thành kế hoạch cả năm tăng trưởng GDP 6,7% đòi hỏi bảo đảm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư tư nhân, đầu tư FDI để tổng mức đầu tư toàn xã hội đạt 34-35% GDP. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.