Hà Nội tiếp tục làm rõ phương án quy hoạch sông Hồng là trục xanh; đánh giá khả năng cân đối nguồn lực đầu tư công cho các dự án, chương trình lớn...
Chiều 27-3, thay mặt Ban Cán sự đảng UBND thành phố Hà Nội giải trình về nhóm nội dung Hội nghị chuyên đề Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XVII, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, có 41 lượt đại biểu phát biểu với 94 ý kiến về 3 nội dung, trong đó có 28 ý kiến (gồm 5 nhóm vấn đề) về Quy hoạch Thủ đô và 37 ý kiến (gồm 4 nhóm vấn đề) về Kế hoạch đầu tư công.
Tiếp tục làm rõ phương án sông Hồng là trục xanh
Trong 5 nhóm vấn đề đại biểu nêu về Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ban Cán sự đảng UBND thành phố khẳng định sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện để làm rõ hơn chức năng, vị trí, vai trò của Thủ đô trong suốt quá trình lịch sử, thấy rõ được tính đặc thù làm cơ sở khai thác, phát huy các giá trị truyền thống để phát triển Thủ đô; tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế, sứ mệnh của Hà Nội đối với vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước; nhấn mạnh vai trò của văn hóa, con người, quan điểm phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa vào 3 chuyển đổi: Chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn.
Thành phố cũng sẽ nhấn mạnh hơn đột phá về hạ tầng đồng bộ, kết nối và liên kết vùng, tập trung đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đặc biệt việc đầu tư 14 tuyến đường sắt đô thị, xây dựng hệ thống cầu vượt sông để phát triển mạnh về phía Bắc sông Hồng, nghiên cứu xây dựng sân bay quốc tế thứ hai Vùng Thủ đô về phía Nam đáp ứng yêu cầu phát triển Vùng Thủ đô và khu vực phía Bắc...
Quy hoạch cũng sẽ được hoàn thiện theo hướng kéo gần khoảng cách kết nối giữa Hà Nội với các địa phương trong vùng và cả nước, với các cửa khẩu, các khu kinh tế, các cảng biển dọc theo các tuyến hành lang Bắc - Nam, Đông - Tây.
Trong đó, kết nối phát triển chuỗi liên kết công nghiệp, tập trung các công đoạn yêu cầu hàm lượng khoa học, công nghệ cao như thiết kế, sản xuất chip, vi mạch bán dẫn...; kết nối phát triển du lịch (du lịch phía Nam Hà Nội với khu vực Hà Nam, Ninh Bình; du lịch xứ Đoài với khu vực Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Phú Thọ..); kết nối trong nông nghiệp (Hà Nội giữ vai trò là nơi cung cấp giống, nhân công chất lượng cao và nơi tiêu thụ nông sản của cả vùng); kết nối trong cung cấp các dịch vụ chất lượng cao về khoa học công nghệ, nhà ở, giáo dục và đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân…
Đáng chú ý, Hà Nội sẽ tiếp tục nghiên cứu làm rõ phương án quy hoạch phát triển sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông của Hà Nội. Đây chính là động lực phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới mà trong quy hoạch cũng đã xác định rõ, với mô hình phát triển thành phố hai bên sông; làm rõ hơn các nội dung về phát triển đô thị hài hòa với nông thôn hướng tới không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân; phát triển đô thị theo mô hình chùm đô thị với đô thị trung tâm và các thành phố, các đô thị vệ tinh; xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô; nghiên cứu, hình thành các mô hình đô thị mới theo chức năng đặc thù: Mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông (TOD), đô thị đại học, đô thị sân bay, mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ, “đô thị 15 phút”…
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, Ban Cán sự đảng UBND thành phố tiếp thu toàn bộ ý kiến các đại biểu để chỉ đạo cơ quan lập Quy hoạch Thủ đô tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ trình HĐND thành phố tại kỳ họp thứ 15. Đồng thời, UBND thành phố đang giao cơ quan lập Quy hoạch phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thực hiện các quy trình, thủ tục trình xin ý kiến Quốc hội. Ban Cán sự đảng UBND thành phố đang dự thảo các nội dung để báo cáo Bộ Chính trị vào đầu tháng 5-2024.
Tăng tính chủ động của ngân sách cấp huyện
Về điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, việc tổ chức triển khai Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025 đã có những kết quả tích cực. Trong đó, tỷ lệ giải ngân hằng năm có chiều hướng tăng lên. Cụ thể: Năm 2021 đạt 79,2% kế hoạch; năm 2022 đạt 87,8%; năm 2023 đạt 94,4%; năm 2024, tính đến ngày 20-3-2024 đạt 8,7% kế hoạch.
Thời gian tới, khối lượng công việc phải thực hiện của Kế hoạch trung hạn và năm 2024, 2025 rất lớn. Cụ thể: Kế hoạch vốn trung hạn cấp thành phố còn phải bố trí từ nay đến hết năm 2025 chiếm 43% kế hoạch; kế hoạch vốn năm 2024 toàn thành phố phải thực hiện trong 3 quý tới gấp 1,3 lần so với kế hoạch năm 2023, trong khi thời gian thực hiện không nhiều. Đây là khó khăn, thách thức đặt ra thành phố phải nỗ lực vượt qua.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, trên cơ sở các ý kiến của các đại biểu, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra.
Trong đó, UBND thành phố sẽ tập trung rà soát, đánh giá tình hình, khả năng triển khai, hấp thụ kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024, 2025 của từng nhiệm vụ, dự án từ chuyển tiếp, đến khởi công mới gắn với việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã đề ra; trên cơ sở đó xây dựng các kế hoạch cụ thể để tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy triển khai theo từng lĩnh vực.
“Ban Cán sự đảng UBND thành phố đề xuất đến kỳ họp HĐND thành phố tháng 7-2024, những dự án chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ xem xét chỉ làm công tác nghiên cứu chuẩn bị đầu tư trong giai đoạn 2021-2025, phê duyệt chủ trương đầu tư để thực hiện dự án trong giai đoạn tiếp theo”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.
Trong những tháng còn lại của năm 2024, UBND thành phố sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân đầu tư công theo Kế hoạch số 42/KH-UBND của UBND thành phố; đồng thời bám sát tình hình, đôn đốc triển khai các dự án, công trình tiêu biểu đề nghị gắn biển khánh thành và khởi công chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; tiếp tục rà soát, xây dựng kế hoạch tu bổ, tôn tạo, khai thác hiệu quả các di tích lịch sử, cách mạng trên địa bàn thành phố theo đúng Chỉ thị số 27-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.
Về nguồn lực đầu tư, đối với cấp thành phố, UBND thành phố sẽ đánh giá tính khả thi, khả năng cân đối nguồn lực đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và các năm 2024, 2025; đảm bảo cân đối đủ kế hoạch vốn theo tiến độ triển khai cho các dự án trọng điểm, dự án đường Vành đai 4, dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án thuộc kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; dự án quan trọng, dự án giải quyết vấn đề bức xúc dân sinh.
“Đối với cấp huyện, yêu cầu các quận, huyện, thị xã đánh giá tính khả thi nguồn lực đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của cấp huyện, đặc biệt là nguồn thu tiền sử dụng đất; giải pháp khai thác nguồn lực để tăng tính chủ động của ngân sách huyện; cân đối đủ vốn đối ứng cho các dự án ngân sách thành phố hỗ trợ để hoàn thành dự án. Trường hợp nguồn thu không đảm bảo, báo cáo HĐND cùng cấp điều chỉnh giảm để đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối ngân sách của huyện, không để nợ xây dựng cơ bản, công trình dở dang vì thiếu vốn”, Phó Chủ tịch UBND thành phố nói.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Quyền nêu rõ, ngay trong tháng 4-2024, Ban Cán sự đảng UBND thành phố sẽ chỉ đạo ban hành kế hoạch thúc đẩy triển khai đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024, 2025. Trong đó xác định rõ: Nội dung, khối lượng công việc còn lại phải thực hiện của từng nhóm ngành, lĩnh vực, từng dự án cụ thể và phân công nhiệm vụ rõ ràng, cụ thể tới từng cơ quan, đơn vị để tổ chức triển khai thực hiện, đồng thời gửi báo cáo các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn để tiếp tục quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, phấn đấu hoàn thành các dự án góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.