Mặc dù liên tục đạt được mức tăng trưởng đều đặn qua các năm, nhưng Tuyên Quang vẫn còn là một tỉnh nghèo, đời sống của người dân còn khó khăn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Thống Nhất/ TTXVN) |
Chiều 26-2, dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Tuyên Quang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, nhất là gỗ rừng trồng là một thế mạnh cần khai thác để thúc đẩy công nghiệp chế biến.
“Kinh tế lâm nghiệp là lối ra cho Tuyên Quang,” Thủ tướng nêu rõ.
Trong những năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Tuyên Quang là Thủ đô kháng chiến, nơi đồng bào cả nước "trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền." Với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, kinh tế-xã hội vùng đất “cái nôi của Cách mạng” Tuyên Quang không ngừng đạt được những thành tựu đáng khích lệ. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh tăng 8% so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 34 triệu đồng/người/năm. Toàn tỉnh có thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 16 xã. Diện tích trồng rừng đạt 10.500 ha, tăng 104% kế hoạch.
Với 22 dân tộc cư trú trên địa bàn, ở mỗi cộng đồng các dân tộc đều có những nét văn hoá, phong tục tập quán từ lâu đời, được hình thành và phát triển qua hàng trăm năm vỡ đất lập bản, lập làng.
Chính những nét đặc trưng ấy đã tạo nên những sắc thái riêng biệt và trở thành những di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của Tuyên Quang, đóng góp cho kho tàng văn hóa của cả nước. Nằm ở vị trí địa lý đặc biệt bản lề nối hai vùng Đông và Tây Bắc Bộ, trải dài từ Bắc xuống Nam, Tuyên Quang có nhiều điều kiện để phát triển tốt các loại hình du lịch, đặc biệt là việc sở hữu đến 546 di tích lịch sử, văn hóa, danh thắng, trong đó có 435 di tích lịch sử cách mạng, kháng chiến như một “Bảo tàng cách mạng” của cả nước.
Năm 2016, Tuyên Quang thu hút 1,4 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu xã hội về du lịch đạt 1.226 tỷ đồng..., có vai trò như một động lực phát triển kinh tế mạnh mẽ của địa phương.
Tuy nhiên trên thực tế, Tuyên Quang vẫn là địa phương rất khó khăn. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2016 đạt 1.592 tỷ đồng nhưng mới chỉ đáp ứng khoảng 27% chi ngân sách cân đối địa phương. Mức thu ngân sách của Tuyên Quang cũng chỉ đứng trên 3 địa phương thuộc diện thấp nhất cả nước. Khó khăn nổi bật của Tuyên Quang còn ở nguồn lực đầu tư hệ thống hạ tầng, nhất là giao thông kết nối và các công trình quan trọng.
Tại buổi làm việc, đề xuất hàng đầu của Tuyên Quang gửi đến Thủ tướng và Chính phủ là đề nghị Trung ương bố trí vốn ngân sách để bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai xây dựng đường kết nối Tuyên Quang với cao tốc Hà Nội-Lào Cai. Lãnh đạo địa phương cho rằng, đây là giải pháp có tầm quan trọng đặc biệt để kéo gần khoảng cách với Thủ đô và vùng kinh tế phía Bắc, làm động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội, du lịch, văn hóa trên địa bàn. Đề nghị này nhận được sự tán thành của lãnh đạo các bộ, ngành.
Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Huỳnh Vĩnh Ái, lý do dẫn đến Tuyên Quang chưa phát triển được tiềm năng du lịch chính là bởi thiếu đường giao thông kết nối, bên cạnh đó là khó khăn từ nguồn nhân lực và chưa có những sản phẩm du lịch hấp dẫn. Kết luận về đề xuất này, Thủ tướng bày tỏ tán thành về chủ trương tiến hành với hình thức PPP. Thủ tướng giao các bộ liên quan xây dựng đề án và có phương án huy động nguồn vốn để giải quyết.
Đánh giá về tình hình kinh tế-xã hội địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không chỉ giữ vững phong trào cách mạng truyền thống mà Tuyên Quang còn có nhiều chuyển biến đáng mừng, nhất là trong thu ngân sách, giảm nghèo. Chỉ số cạnh tranh của tỉnh vươn lên mạnh mẽ từ vị trí chót bảng lên mức 48/63 tỉnh, thành phố. Nhiều loại cây công nghiệp được phát triển và giữ vững, đặc biệt mật độ che phủ rừng được duy trì tốt ở mức 64%. Công tác xây dựng nông thôn mới được quan tâm; an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững … đó là một cố gắng lớn của địa phương, Thủ tướng nhận xét.
Biểu dương thành tích toàn diện của tỉnh, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng phân tích, quy mô kinh tế của Tuyên Quang còn thấp, rừng chưa thực sự trở thành một thế mạnh để tạo nên nguồn thu của địa phương. Tỷ lệ nghèo còn ở mức cao trong vùng.
Đề cập đến những tiềm năng của địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không chỉ có truyền thống cách mạng, con người Tuyên Quang còn hết sức cần cù, chịu khó; Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị có khát vọng mạnh mẽ xây dựng, phát triển quê hương.
Về tầm nhìn phát triển của địa phương, Thủ tướng mong muốn, Tuyên Quang sẽ là hình mẫu về phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước; là một điển hình về thoát nghèo, cải thiện sinh kế bền vững, tối ưu hóa tài nguyên, giải quyết, nâng cao đời sống cho người dân.
Gợi mở những biện pháp phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, Thủ tướng đề nghị Tuyên Quang ưu tiên hàng đầu cho nâng cấp, mở rộng hạ tầng cứng, đường giao thông; đi đôi với đó là làm tốt công tác tái cơ cấu dân cư nhằm giảm chi phí hạ tầng. Về hạ tầng mềm, tỉnh cần đẩy mạnh giáo dục cơ bản, nâng cao dân trí, đặc biệt là đồng bào dân tộc sinh sống trên địa bàn; thay đổi phương thức đầu tư theo hướng có trọng điểm đối với khối các trường nội trú và dạy nghề để tạo điều kiện hướng nghiệp cho bà con.
Để làm được những định hướng đó, Thủ tướng lưu ý Tuyên Quang cần tạo vùng nguyên liệu phù hợp để có những sản phẩm từ gỗ, cam, chè, MDF với năng suất, chất lượng và thương hiệu tốt hơn. Cùng với đó là tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển, xóa đói giảm nghèo. Một nhiệm vụ quan trọng nữa là không ngừng cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh ở địa phương; phát triển trồng rừng, giữ gìn môi trường sống cho người dân.
Trước đó, chiều 26-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thăm Nhà máy May Tuyên Quang tại xã Phúc Ứng, huyện Sơn Dương. Nhà máy do Tập đoàn Dệt may Việt Nam đầu tư với số vốn trên 200 tỉ đồng, đi vào hoạt động từ cuối năm ngoái. Hiện Nhà máy đang giải quyết việc làm cho 600 lao động và dự kiến tạo việc làm cho 1.200 lao động. Nhà máy May Tuyên Quang là một trong những dự án đầu tư quan trọng của Tập đoàn Dệt may Việt Nam, nhằm tạo việc làm và thu nhập cho con em đồng bào tại Tuyên Quang và vùng lân cận; tăng thêm năng lực xuất khẩu cho Tập đoàn.
.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.