(HNMO) - Sáng 17-1, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự, phát biểu chỉ đạo.
|
Năm 2018 được xem là năm đặc biệt thành công của xuất khẩu, với mức tăng trưởng đạt 13,8% so với năm 2017 (tương đương 245 tỷ USD), vượt xa chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ giao. Đặc biệt, khu vực doanh nghiệp trong nước tiếp tục có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao hơn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (tương ứng là 15,9% và 12,9%).
Đáng chú ý, Việt Nam đã xuất siêu chủ yếu vào thị trường các nước phát triển, có yêu cầu khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như Hoa Kỳ (xuất siêu 34,7 tỷ USD); EU (28,7 tỷ USD).
Năm 2019, Bộ Công Thương phấn đấu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9-10% so với năm 2018. Xuất khẩu dự kiến tăng 8-10%, đạt khoảng 265 tỷ USD. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng khoảng 11,5-12%...
Để thực hiện tốt mục tiêu đặt ra, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.
Cụ thể là: Phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước, phát triển công nghiệp hỗ trợ, tăng tỷ lệ nội địa hóa;
Thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, chủ động tham gia và tận dụng thành quả của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất lao động, phát triển các ngành công nghiệp mới có lợi thế; tập trung phát triển mạnh mẽ thị trường trong nước.
Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, hệ thống truyền tải điện trên địa bàn thành phố đã được Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam quan tâm, song một số dự án phát triển mạng lưới truyền tải cung cấp điện cho thành phố đang chậm tiến độ do được điều chỉnh trong thời gian qua, nếu không được đẩy nhanh thành phố sẽ thiếu điện trong tương lai.
Cũng liên quan đến điện, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đề xuất Bộ Công Thương có chính sách ưu tiên đối với giá điện, có thể mua điện từ các nhà máy điện rác với giá cao hơn để thu hút các nhà đầu tư xử lý rác thải; hệ thống hóa và xây dựng hệ thống logisics hỗ trợ phát triển thị trường trong nước; hỗ trợ các địa phương tăng cường liên kết với các chuỗi, hãng phân phối bán lẻ trong nước và nước ngoài, cũng như phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chợ truyền thống đạt tiêu chuẩn.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, bộ cũng nên sớm hoàn thiện cơ chế phối hợp với TP Hà Nội trong công tác quản lý thị trường, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại để nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý thị trường trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhận định, trên nền tảng những kết quả quan trọng đạt được trong năm qua, năm 2019, Bộ Công Thương cần quyết liệt hơn, đổi mới hơn nữa để tiếp tục đạt vượt mức các chỉ tiêu Quốc hội giao, tạo nền tảng lâu dài cho phát triển kinh tế đất nước; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đổi mới phương thức quản lý, tiết giảm điều kiện kinh doanh, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến của ngành Công Thương.
Bên cạnh kết quả tích cực, theo Thủ tướng, cũng cần nhìn nhận thẳng thắn các khuyết điểm, tồn tại trong ngành Công Thương như: ngành Công nghiệp nước ta chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; nội lực còn yếu, trình độ công nghệ còn lạc hậu; chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự đóng vai trò dẫn dắt; công nghiệp hỗ trợ phát triển chưa tương xứng; tiềm lực, sức cạnh tranh của khu vực kinh tế trong nước còn thấp, chưa tham gia sâu rộng vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu...
Về mục tiêu, nhiệm vụ năm 2019, Thủ tướng nêu rõ giải pháp quan trọng với ngành Công Thương là khoa học công nghệ, đặc biệt là kỷ nguyên số, công nghiệp 4.0. Đổi mới công tác triển khai, lập, thẩm định, trình duyệt và công bố quy hoạch trong ngành Công Thương, để không vì quy hoạch mà xảy ra tình trạng xin - cho, chậm trễ.
Đồng thời, Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước thuộc ngành Công Thương một cách hiệu quả; tiếp tục xử lý các tồn tại, yếu kém của các dự án chậm tiến độ, theo đúng lộ trình được phê duyệt.
Bộ Công Thương cần hết sức coi trọng công tác theo dõi, bám sát diễn biến tình hình cả ở trong nước và quốc tế để từ đó có những phản ứng chính sách linh hoạt; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí; kỷ cương, kỷ luật hành chính trong ngành gắn với phương châm hành động của Chính phủ.
Thủ tướng cũng lưu ý, cần xử lý nghiêm, thậm chí xử lý hình sự đối với những cá nhân, tổ chức vi phạm về an toàn thực phẩm trong nước và đối với sản phẩm xuất khẩu.
Thủ tướng tin tưởng, với sự thành công liên tiếp trong 3 năm qua, ngành Công Thương "chỉ có tiến mà không có lùi" vì sự nghiệp dân tộc, vì cuộc sống nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.