Tối 2-7, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ kỷ niệm 30 năm Ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (1/7/1989 – 1/7/2019) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Cùng dự buổi lễ có nguyên Chủ tịch nước Trần Đức Lương; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng; các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi qua các thời kỳ, các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, hàng nghìn người dân địa phương.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng ôn lại truyền thống của người dân Quảng Ngãi và nêu rõ, “từ khóa” của sự kiện hôm nay là “Khát vọng Quảng Ngãi”, với mong muốn người dân Quảng Ngãi dù ở đâu, làm gì cũng chung sức đóng góp phát triển quê hương.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
Nhấn mạnh những thành quả này nhờ tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ý chí vượt khó vươn lên của cả Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi qua các thời kỳ trong 30 năm qua, Thủ tướng cho rằng, niềm vui của Quảng Ngãi cũng là niềm vui chung cả nước; chúng ta tự hào về sự phát triển của Quảng Ngãi thời gian qua. Từ nơi chịu nhiều hậu quả chiến tranh, đến nay, tỉnh Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là sau khi Khu kinh tế Dung Quất đi vào hoạt động. Tổng sản phẩm trên địa bàn tăng gấp 19 lần so với cách đây 30 năm. Thu ngân sách đạt khoảng 20 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 1.227 lần. Đây không chỉ là con số ấn tượng mà còn là sự thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình nghèo khó.
Quảng Ngãi là vùng đất nổi tiếng địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng; là quê hương của nhiều danh nhân lịch sử, văn hóa, quân sự tiêu biểu, đặc biệt là nhà cách mạng, nhà văn hóa lớn là Thủ tướng Phạm Văn Đồng, cùng nhiều danh nhân, tướng lĩnh khác.
Trong suốt chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc, nhân dân Quảng Ngãi một lòng theo Đảng, không quản hy sinh gian khổ, lập nhiều chiến công vang dội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp thống nhất đất nước.
Là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Quảng Ngãi hội tụ đủ các lợi thế tạo động lực phát triển như lọc hóa dầu, luyện kim, chế tạo, Thủ tướng cho rằng, Quảng Ngãi đang có vị trí, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển công nghiệp, cảng biển, kinh tế biển và kết nối thuận lợi với các tỉnh khu vực Tây Nguyên, phía Nam Lào và Đông Bắc Campuchia. Với lợi thế và tiềm năng đó, Thủ tướng nhận định, Quảng Ngãi hoàn toàn có thể trở thành trung tâm công nghiệp của miền Trung và cả nước mà ở đó, sức mạnh kinh tế được dựa trên năng suất, chất lượng và năng lực quản trị của các cấp chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp. Trong giai đoạn hiện nay, Đảng, Nhà nước kỳ vọng mỗi tỉnh, thành phố phải xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, sứ mệnh để đóng góp vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Thủ tướng nhấn mạnh, tầm nhìn này phải gắn liền với sứ mệnh đặt ra cho Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi. Đó là “cùng với Chính phủ, các bộ, các ngành liên quan nghiên cứu thị trường, định hình lại và tập trung thúc đẩy các hệ sinh thái công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ và công nghiệp phụ trợ trong Khu kinh tế Dung Quất. Cần nhất là ưu tiên thu hút các doanh nghiệp đầu tàu cho các ngành lọc hóa dầu, luyện kim, ngành điện, điện tử, vật liệu công nghệ cao và chế biến hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu. Phát triển ngành công nghiệp tiên tiến dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, công nghệ mới và sự kết hợp hài hòa giữa doanh nghiệp địa phương và doanh nghiệp FDI trong việc hình thành và định vị chuỗi giá trị khu vực và quốc tế; lan tỏa cảm hứng và chủ động kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng”.
Thủ tướng cũng cho rằng, Quảng Ngãi cần đưa ra các giải pháp đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển cụm công nghiệp; đổi mới công tác giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ, kể cả đào tạo lao động, đào tạo nghề trong bối cảnh phát triển mạnh doanh nghiệp số, xã hội số và nền kinh tế số, coi đây là vấn đề cấp bách hiện nay.
Quan tâm phát triển lĩnh vực văn hóa, xã hội, quan tâm giáo dục và đào tạo, nhất là đào tạo nghề để cung cấp nhân lực có trình độ và tay nghề cho các ngành công nghiệp và dịch vụ, nhất là Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp. Với tầm nhìn và sứ mệnh đó, Thủ tướng đề nghị Quảng Ngãi thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó cần thực hiện tốt ba đột phá chiến lược là phát triển công nghiệp, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng gia tăng công nghiệp và dịch vụ; lấy nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả bền vững là kim chỉ nam. Cùng với đó là đẩy mạnh tiến độ các dự án trên địa bàn như Dự án mở rộng Khu kinh tế Dung Quất giai đoạn 2, đường ven biển Dung Quất-Sa Huỳnh, đường cao tốc, các dự án du lịch ven biển, cảng biển, hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất, các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Dù đã có những thành tựu to lớn, Thủ tướng cho rằng, Quảng Ngãi vẫn là tỉnh nghèo và cần phấn đấu vươn lên, hòa chung vào khát vọng của dân tộc và phát triển sánh vai với các cường quốc 5 châu. Đảng, Nhà nước tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ngãi sẽ có những đóng góp quan trọng để phấn đấu cùng cả nước thực hiện mục tiêu xây dựng một đất nước hùng cường, thịnh vượng vào năm 2045, nhân dịp 100 năm thành lập nước.
Sau phần lễ kỷ niệm là chương trình nghệ thuật theo ba phần: Quảng Ngãi anh hùng; Khát vọng Quảng Ngãi và Quảng Ngãi vận hội mới, mang đậm nét văn hóa của miền đất “núi Ấn - sông Trà”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.