Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mạnh mẽ phê bình nhiều chủ tịch tỉnh, huyện, xã né tránh việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Có trường hợp còn thách đố dân “giỏi thì lên trung ương mà kiện”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo - Ảnh: Lê Kiên |
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo vừa kết thúc cách đây ít phút, Thủ tướng đã phát biểu kết luận, nhấn mạnh nhiều nguyên nhân chủ quan dẫn đến sự phức tạp của tình hình này.
Phải biết địa bàn mình có bao nhiêu bức xúc
“Công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo trong nhiều trường hợp người đứng đầu cơ quan có trách nhiệm chưa quan tâm đúng mức, chỉ đạo không quyết liệt, giải quyết chậm, thậm chí có sai sót. Nhiều đồng chí chủ tịch huyện, xã và cả tỉnh nữa, không bố trí tiếp dân. Thấy dân mà lên xe chạy là không ổn rồi.” - Thủ tướng nhấn mạnh.
“Một số địa phương dựa vào việc hết thời hiệu để không xem xét giải quyết, mặc dù công dân đã cung cấp thêm thông tin, tài liệu chứng minh việc tranh chấp, khiếu nại là có cơ sở”.
Thủ tướng kể: “Hồi tôi làm trưởng ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng dự án Quốc lộ 1A, có trường hợp tôi hỏi tại sao bác chưa đi, người ta trả lời rằng “tôi ở đây 40 năm rồi, từ sau giải phóng đến nay, nhưng các anh chị nói chúng tôi không có giấy tờ”. Người ta ở ổn định hơn 40 năm rồi còn đòi giấy tờ gì nữa”.
Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra tình trạng “một số trường hợp thiếu trách nhiệm, không công tâm, thiếu khách quan, không hợp lý…, dẫn đến khiếu kiện kéo dài. Có trường hợp tham ô tham nhũng trong quá trình giải phóng mặt bằng, kê khống để lấy tiền của dân, chuyện này miền núi cũng có, đồng bằng cũng có”.
Thủ tướng yêu cầu “bí thư, chủ tịch, nhất là ở cấp huyện, xã phải biết trong địa phương mình còn bao nhiêu trường hợp bức xúc. Phải trực tiếp gặp dân để đối thoại, giải quyết. Nếu cứ né tránh, để lâu thì người dân sẽ khiếu kiện vượt cấp. Giải quyết không hợp tình hợp lý thì nảy sinh khiếu kiện gay gắt”.
“Tôi đề nghị hệ thống tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo cần phải đặt mình vào vị trí bức xúc của người dân để nêu cao tinh thần trách nhiệm trong quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Xử lý phải đúng pháp luật, có lý có tình, quan tâm lợi ích chính đáng của người dân”.
Phức tạp nhất vẫn là đất đai
Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2012 - 2015, tình hình khiếu nại, tố cáo có xu hướng giảm so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, số đoàn đông người tăng 32%, đặc biệt là số đoàn đông người khu vực miền Trung - Tây Nguyên tăng 61,6% so với giai đoạn 2008-2011.
Báo cáo của Thanh tra Chính phủ cho biết các vụ việc đông người tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp, có đoàn lên tới vài trăm người với thái độ bức xúc, gay gắt, nhiều lần tập trung lên trung ương, nhất là trong các dịp có sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Một số đoàn căng khẩu hiệu, biểu ngữ, nhiều ngày tập trung trước cổng trụ sở các cơ quan trung ương, đi diễu hành trên đường phố Hà Nội hoặc tập trung trước nhà riêng các lãnh đạo Đảng, Nhà nước để đưa đơn, yêu cầu được tiếp và giải quyết ngay tại các cơ quan trung ương.
Ngoài ra, đã xảy ra nhiều vụ việc công dân xô xát, đánh và đe dọa cán bộ tiếp công dân như công dân tỉnh Thanh Hóa dùng dao chém vào đầu cán bộ của Ban; công dân tỉnh Nam Định đấm vào mặt Phó Vụ trưởng, Ban Nội chính Trung ương; công dân các tỉnh Bạc Liêu, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Nội bao vây, túm áo, xô đẩy, chặn xe, la hét, xúc phạm và đe dọa Trưởng ban...
Các vụ việc khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp, bức xúc chủ yếu là về bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội (làm đường giao thông, công trình thuỷ lợi, xây dựng chợ, trung tâm thương mại, khu đô thị, khu dân cư, khu du lịch…
Theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo hiện nay là do chính sách, pháp luật về đất đai đã được sửa đổi để giải quyết được những vấn đề vướng mắc, tồn tại trong công tác thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng nhưng trong một số trường hợp chưa giải quyết được hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng đất, một số chủ trương, chính sách đất đai còn bất cập. Một số vụ việc khiếu nại về nhà đất do lịch sử để lại nay rất khó giải quyết dứt điểm khi chính sách của Nhà nước đã thay đổi không còn phù hợp hoặc không có hồi tố.
Ngoài ra, công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn nhiều tồn tại, yếu kém.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.