Dự hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Đắk Nông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, không phải sản xuất cái mình có mà phải sản xuất cái thị trường cần.
Thủ tướng phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Tại hội nghị, các nhà đầu tư đánh giá rất cao tiềm năng và lợi thế của tỉnh Đắk Nông và sẵn sàng “rót tiền” để khai thác, mài dũa những viên ngọc thô trên vùng đất này, nhất là lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao.
Là một trong những “sếu lớn” được tỉnh quan tâm mời gọi đầu tư, lãnh đạo Tập đoàn FLC cho biết, hệ thống chính quyền tỉnh đang có những cam kết mạnh mẽ trong xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch cùng nhiều chính sách ưu đãi. Tập đoàn FLC bày tỏ mong muốn nghiên cứu đầu tư các dự án vừa khai thác được vẻ đẹp thiên nhiên ưu đãi, vừa góp phần tạo nên một hệ sinh thái hoàn chỉnh, đồng bộ có tính kết nối cao với các tỉnh của Tây Nguyên. Một số doanh nghiệp khác như T&T, Sam Agritech thể hiện mong muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đánh thức tiềm năng “ngủ quên” của tỉnh khi Đắk Nông có tổng diện tích canh tác khoảng 588.000 ha, phần lớn diện tích là đất đỏ bazan màu mỡ.
Bày tỏ ấn tượng trước số lượng nhà đầu tư tham dự hội nghị đông nhất từ trước đến nay đối với Đắk Nông, Thủ tướng hoan nghênh các ý kiến góp ý, cho rằng nhà đầu tư đến với tỉnh khó khăn, xa xôi mới đáng quý.
Theo Thủ tướng, không khí đầu tư làm ăn tại các địa phương thời gian qua rất đáng mừng. Nhiều địa phương vươn lên mạnh mẽ, trong đó có Đắk Nông, từ chỗ thu ngân sách chỉ được hơn 80 tỷ đồng cách đây 15 năm, thì nay đã đạt 2.000 tỷ đồng. “Nếu không có đầu tư phát triển thì không thành công”, Thủ tướng chia sẻ. Cũng như các tỉnh khác, Đắk Nông đã tìm ra định hướng đầu tư mới, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực tiềm năng.
Nhất trí với ý kiến các nhà đầu tư, Thủ tướng cho rằng, Đắk Nông có nhiều tiềm năng về nông nghiệp, du lịch, công nghiệp khoáng sản như có khí hậu, thời tiết ôn hòa, văn hóa đa dạng, phong phú, có đến 66% diện tích là đất basalt, có trữ lượng bauxite lớn… Thế nhưng, tỉnh chưa có khách sạn, khu du lịch nào xứng tầm để phát triển dịch vụ. “Vậy hướng đầu tư như thế có cần thiết không?”.
Cho rằng các tỉnh trong cả nước đều có thành phố trực thuộc nhưng riêng Đắk Nông mới có thị xã, Thủ tướng đề nghị tỉnh nên quy hoạch phát triển đô thị, coi đây là một động lực phát triển và đánh giá cao việc Tập đoàn FLC có kế hoạch phát triển khu đô thị ở Đắk Nông theo định hướng xanh, sạch, sinh thái, có lợi cho người dân, môi trường, nếu được như vậy sẽ đóng góp lớn cho tăng trưởng của tỉnh.
Thủ tướng chứng kiến lễ ký cam kết đầu tư vào tỉnh Đắk Nông - Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Theo Thủ tướng, lối ra cho Đắk Nông đã được nhận diện tại hội nghị hôm nay và hoan nghênh, cảm ơn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã đến đầu tư, thể hiện sự quan tâm với tỉnh Đắk Nông.
Để phát huy “vẻ đẹp hùng vĩ” cũng như giữ gìn nét văn hóa độc đáo của Đắk Nông, Thủ tướng cho rằng, “chúng ta cần khơi dậy nguồn cảm hứng phát triển, xóa mặc cảm về định mệnh khó hoặc không phát triển, để từ đó chúng ta có tư duy mạnh mẽ, cảm hứng mạnh mẽ trong đầu tư phát triển”. Cán bộ, đảng viên, các cấp, các ngành và cả nhà đầu tư cũng phải tiếp thêm động lực cho sự phát triển này.
Thủ tướng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là phải giải quyết tốt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Coi thành công của nhà đầu tư là thành công của Đắk Nông. Muốn vậy, tỉnh cần có đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp để thực hiện điều này cho doanh nghiệp, hoặc thuê các tổ chức chuyên nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp địa phương, không để tình trạng “sau hội nghị này, thủ tục mãi không giải quyết, cứ kêu khó chuyện này, chuyện kia”. Tỉnh cần biến lợi thế mềm về môi trường kinh doanh trở nên nổi trội, để bù đắp các bất lợi khác như hạ tầng.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Đắk Nông triển khai một giải pháp đang là xu hướng của toàn cầu, đó là thúc đẩy thương mại phát triển, coi đây là chìa khóa then chốt của Đắk Nông. Cần xóa bỏ tư duy tự cung, tự cấp, tự sản xuất, tự tiêu dùng mà phải hướng tới sản xuất hàng hóa. Do đó, tỉnh cần đặt ra 3 câu hỏi là sản xuất cái gì, không phải sản xuất cái mình có mà phải sản xuất cái thị trường cần. Thứ hai là sản xuất như thế nào. Phải nghĩ tới tiến trình, áp dụng công nghệ sản xuất để sao cho năng suất, sản phẩm tốt nhất. Thứ ba là sản xuất cho ai, trước khi sản xuất cần nghĩ xem hướng tới đối tượng khách hàng nào?
Thủ tướng mong muốn sản xuất phải quan tâm bảo vệ môi trường, nếu để ô nhiễm môi trường là mất tất cả. Trước khi đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng công trình thì phải nghĩ tới vấn đề môi trường, đừng để tình trạng môi trường Đắk Nông đang tốt nhưng do phát triển sản xuất một số lĩnh vực mà ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững. Tỉnh cần tăng cường quản lý môi trường để giữ gìn một Tây Nguyên xanh, một Đắk Nông xanh.
Chứng kiến ký kết nhiều biên bản hợp tác đầu tư tại hội nghị, Thủ tướng mong các nhà đầu tư “giữ lời”, thực hiện tốt cam kết của mình. Nhà đầu tư cần thực hiện phương châm “buôn có bạn, bán có phường”, cùng nhau đến Đắk Nông làm ăn, phát triển, phát huy trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, đồng thời hợp tác, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương.
Thủ tướng cũng khẳng định cam kết của Chính phủ tạo mọi thuận lợi để Đắk Nông phát triển, có các cơ chế, chính sách thuận lợi hơn cho nhà đầu tư.
Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, lãnh đạo tỉnh Đắk Nông đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và ký kết biên bản cam kết đầu tư với các nhà đầu tư với tổng số tiền lên tới khoảng 50.000 tỷ đồng, trong đó, Tập đoàn FLC có cam kết đầu tư lớn nhất, khoảng 19.000 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.