Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng chủ trì hội nghị thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN

Đức Anh| 24/07/2018 11:37

(HNMO) - Sáng 24-7, Bộ Tài chính đã tổ chức hội nghị trực tuyến chuyên đề về thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Thủ tướng Ngyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có đại diện Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; Đại sứ, đại diện ngoại giao của một số quốc gia và tổ chức là đối tác thương mại và phát triển quan trọng của Việt Nam, bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, 10 quốc gia thành viên ASEAN; đại diện các đối tác phát triển của Việt Nam, bao gồm: Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển châu Á, Tổ chức hỗ trợ phát triển chính thức Hoa Kỳ, Ban Thư ký ASEAN; Các hiệp hội ngành nghề tại Việt Nam; Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc; Hiệp hội logistics Việt Nam… Đại biểu TP Hà Nội thham dự có Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản.

Dự hội nghị tại các đầu cầu có đại diện UBND TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang và các sở, ban, ngành tại địa phương.

Chính thức được triển khai từ tháng 11-2014, đến ngày 15-7-2018, 11 bộ, ngành đã kết nối và thực hiện 53 thủ tục hành chính với hơn 1,34 triệu hồ sơ của 22.812 doanh nghiệp được xử lý thông qua cơ chế một cửa quốc gia. Riêng Bộ Tài chính, tất cả các quy trình, thủ tục hải quan đã kết nối cơ chế một cửa quốc gia, với 99,65% doanh nghiệp tham gia thực hiện tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Dự kiến đến cuối năm 2018 sẽ triển khai thêm 143 thủ tục trên cơ chế một cửa quốc gia, nâng tổng số lên 196 thủ tục, đạt 78% tổng số 251 thủ tục sẽ được triển khai đến năm 2020, theo rà soát mới nhất của các bộ, ngành.

Về cơ chế một cửa ASEAN, từ ngày 1-1-2018, Việt Nam đã chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Đến ngày 15-7-2018, Việt Nam nhận từ 4 nước nêu trên là 32.949 C/O, tổng số C/O gửi tới 4 nước là 16.214 C/O. Việt Nam đang phối hợp với Brunei, Campuchia, Phillipines thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm C/O mẫu D; đồng thời phối hợp với Thái Lan, Indonesia và Malaysia thiết lập hệ thống trao đổi thí điểm tờ khai hải quan ASEAN. Không chỉ dừng lại trong khu vực ASEAN, Việt Nam cũng đang đàm phán để hoàn thiện các Nghị định thư và chuẩn bị xây dựng hệ thống để kết nối và trao đổi thông tin với Liên minh kinh tế Á - Âu về tờ khai hải quan, chứng nhận xuất xứ.

Qua triển khai công tác kiểm tra chuyên ngành, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã tích cực chủ động phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách, đổi mới phương thức quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Bộ đã chủ động nghiên cứu, rà soát các quy định pháp luật để kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc; tổng hợp và kiến nghị các bộ, ngành sửa đổi, bổ sung các quy định về quản lý và kiểm tra chuyên ngành; tham gia, góp ý vào các dự án xây dựng văn bản nghị định, thông tư liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành do các bộ, ngành xây dựng, ban hành.

Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành, đã tạo được lòng tin và quyết tâm chính trị cao đối với lãnh đạo các cấp. Liên tục các năm từ 2014 đến 2018, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong đó triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành luôn được đặt trong nhóm nhiệm vụ trọng tâm. Nhận thức về một xu hướng tất yếu phải cải cách, áp dụng công nghệ quản lý mới theo chuẩn mực quốc tế đã hình thành và chiếm vị trí chủ đạo khi xây dựng chính sách và thể chế.

Cộng đồng doanh nghiệp đã có phản ứng rất tích cực đối với sự thay đổi từ phía các cơ quan Chính phủ, đồng thời mong muốn Chính phủ đẩy nhanh hơn nữa tiến độ, mở rộng phạm vi triển khai cơ chế một cửa quốc gia; cải cách sâu rộng công tác kiểm tra chuyên ngành. Điều này cho thấy lòng tin cũng như kỳ vọng rất cao của cộng đồng đối với sự cải cách về chính sách từ phía các cơ quan Chính phủ. Các tổ chức quốc tế và đối tác phát triển của Việt Nam như Ngân hàng Thế giới, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã có những ghi nhận đáng kể đối với những cải cách của Chính phủ Việt Nam trong lĩnh vực này, đồng thời bày tỏ mong muốn thông qua các dự án hỗ trợ kỹ thuật dành cho các cơ quan Chính phủ để đẩy nhanh tiến trình cải cách, phục vụ tốt hơn cho doanh nghiệp, đưa Việt Nam nhanh chóng hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Từ một khái niệm hoàn toàn mới, Việt Nam đã từng bước hình thành hệ thống pháp luật, tạo nền tảng cho việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia, thực hiện đầy đủ các cam kết của Việt Nam về thực hiện cơ chế một cửa ASEAN, đồng thời tạo nền tảng pháp lý khi đàm phán với các đối tác thương mại ngoài ASEAN trong việc trao đổi và công nhận dữ liệu, chứng từ thương mại điện tử, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa qua biên giới.

Hà Nội tiếp tục tiên phong cải cách phục vụ doanh nghiệp

Tại hội nghị, 10 ý kiến tham luận của các bộ, ngành và tổ chức quốc tế đã đề cập những vấn đề liên quan đến việc triển khai một cửa quốc gia và một cửa ASEAN, trong đó nêu bật những thuận lợi, khó khăn trong quá trình triển khai. 

Phát biểu tham luận, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài đã được Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan lựa chọn thí điểm triển khai cơ chế một cửa quốc gia qua đường hàng không và thí điểm giám sát tự động hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh. Thời gian qua, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp chặt chẽ với Cục Hải quan Hà Nội triển khai thực hiện có hiệu quả. 

Từ 1-7-2017, Hải quan Hà Nội đã thí điểm thực hiện một cửa quốc gia với hãng hàng không đầu tiên là Vietnam Airlines. Đến 1-4-2017 đã mở rộng triển khai với 30 hãng hàng không. Đến nay có tổng số 50/50 hãng hàng không, đạt 100% khai thác chuyến bay quốc tế tại Nội Bài, đã gửi thông tin tới cổng thông tin một cửa quốc gia. Trong đó, 48/48 hãng hàng không đã gửi thông tin về hành lý, hàng hóa tàu bay; 46/46 hãng có khai thác hàng hóa đã gửi thông tin về hàng hóa. Kết quả triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại Nội Bài là cơ sở để Bộ Tài chính báo cáo đề xuất Chính phủ ban hành quy định về trách nhiệm của tàu bay xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh thông qua cơ chế một cửa quốc gia, có hiệu lực từ ngày 5-11-2018. 

Tiếp đến, ngày 16-10-2017 triển khai thí điểm quản lý giám sát hải quan tự động đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu quá cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia tại Nội Bài rất hiệu quả và được các tổ chức, cá nhân ghi nhận. Tham gia cơ chế một cửa quốc gia, người dân, doanh nghiệp không phải sử dụng chứng từ giấy. Cơ chế này cũng giúp doanh nghiệp giảm chi phí kho hàng, thời gian, nhân lực và có thể chủ động kế hoạch kinh doanh. Cơ quan quản lý Nhà nước từ đó cũng có được thông tin phân tích hàng hóa, giám sát nhân lực và giảm thiểu tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cũng chỉ ra một số vấn đề tồn tại như một số hãng hàng không chưa ủy quyền cho các sân bay gửi thông tin cho cơ quan hải quan cũng như sử dụng những hệ thống dữ liệu khác nhau mà hệ thống một cửa quốc gia không thể tiếp nhận được. Việc thiếu một chế tài quản lý đủ mạnh cũng khiến một số hãng hàng không chưa tuân thủ việc khai báo và kết nối thông tin với hệ thống một cửa quốc gia. Bên cạnh đó, một số hãng hàng không cũng không kết hợp với cơ quan hải quan chuyển thông tin trước chuyến bay về hàng hóa, hành lý, tránh lợi dụng buôn lậu… 

Từ thực tế này, Phó Chủ tịch Nguyễn Doãn Toản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành sớm điện tử hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan liên quan trong việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. Bên cạnh đó, các đơn vị thông qua công tác quản lý rủi ro sẽ chia sẻ thông tin đã sàng lọc về các đối tượng cần kiểm tra giám sát; xây dựng cơ chế quản lý các kho hàng không nhằm tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động thương mại. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng khẳng định, tới đây, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tiên phong trong việc xây dựng chính quyền phục vụ, đồng hành cùng doanh nghiệp, qua đó thiết thực thực hiện cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN. 


Khẳng định Việt Nam là “điểm đến” hấp dẫn

Ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Nghị định và Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN, tạo thuận lợi thương mại, để sớm ban hành. Trong Nghị định và Kế hoạch hành động, phải đề xuất cải cách mang tính đột phá sâu rộng hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn, đặc biệt công tác quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu để tháo gỡ các tồn tại, bất cập, góp phần thúc đẩy xuất nhập khẩu, giao thương quốc tế và khu vực, bởi đây là động lực cho tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, bên cạnh tạo thuận lợi thương mại, cần phải kiểm soát, chống gian lận thương mại, buôn lậu, bảo vệ sức khỏe người dân, kể cả hàng xuất và hàng nhập. Do đó, không thể thiếu chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận thương mại.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu


Đánh giá cao Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban Chỉ đạo quốc gia 1899), các cấp, các ngành, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều cố gắng, chủ động, tích cực triển khai các nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đặc biệt biểu dương sự cố gắng, tích cực của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) với tư cách là cơ quan thường trực của Ủy ban Chỉ đạo quốc gia 1899, đã có đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. Cùng với Bộ Tài chính, Thủ tướng cũng ghi nhận, biểu dương sự quyết tâm của các Bộ: Công Thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế trong việc phối hợp với Bộ Tài chính triển khai cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại. “Những bộ, ngành không được biểu dương hôm nay tức là bộ, ngành đó còn gây phiền hà cho sản xuất, kinh doanh, chưa thực hiện tốt chủ trương mà Chính phủ giao”, Thủ tướng nhấn mạnh. 

Thủ tướng cũng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục quan tâm chỉ đạo các trụ cột trong cải cách, tập trung khắc phục các bất cập mà hội nghị nêu ra; các ngành, các cấp phải cộng tác, chung tay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ thúc đẩy phát triển và tăng trưởng bền vững; Ủy ban 1899 chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến tại hội nghị, nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện 2 dự thảo văn bản nêu trên, tạo nền tảng pháp lý thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại tốt hơn nữa, nhanh hơn nữa. Theo đó, trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động trong tháng 8 và trình Chính phủ ban hành Nghị định trong tháng 9.

Thủ tướng nhấn mạnh, không dựa vào kiểm tra chuyên ngành để gây chậm trễ trong lưu thông hàng hóa; phấn đấu giảm tỉ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15%, nhưng vẫn phải đảm bảo các yêu cầu về quản lý của cơ quan Nhà nước và chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Bên cạnh đó, cần rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành. Chấm dứt tình trạng có danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành nhưng không có quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn hoặc tiêu chí, phương pháp kiểm tra (trừ trường hợp hàng hóa đặc thù).

Các bộ, ngành tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chuyên ngành, đối chiếu với mục tiêu và nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ và kế hoạch hành động nêu trên để sửa đổi, bổ sung theo hướng cắt giảm tối đa các mặt hàng không cần thiết phải kiểm tra trước khi thông quan.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro và đánh giá tuân thủ của doanh nghiệp; minh bạch và công khai phương pháp kiểm tra, tiêu chí kiểm tra thông qua việc ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá; xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Không ôm giữ ở bộ, ngành mình những điều kiện không cần thiết, để giải phóng sức sản xuất. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phối hợp chặt chẽ với Ủy ban 1899, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thường xuyên quan tâm chỉ đạo, giám sát việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại tại địa phương mình.

Thủ tướng mong muốn, Việt Nam phải là nơi thực thi tốt những cam kết quốc tế. Đến Việt Nam, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khách du lịch có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất để mọi người cảm thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà của mình. Thủ tướng cũng mong muốn, sau hội nghị này sẽ có chuyển biến mới về thực hiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng chủ trì hội nghị thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.