(HNMO) - Ngày 6-5, phát biểu kết luận cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã bàt tỏ ấn tượng về sự phát triển của thành phố Hà Nội, đồng thời lưu ý các nhiệm vụ trọng tâm thành phố cần tập trung thực hiện trong thời gian tới để xây dựng Thủ đô phát triển toàn diện, nhanh, bền vững, văn hiến, văn minh, hiện đại, trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước.
Thể hiện rõ trách nhiệm với cả nước
Bày tỏ sự ấn tượng về những kết quả tích cực của Hà Nội từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận, trong bối cảnh rất khó khăn do đại dịch Covid-19 và khó khăn chung của thế giới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đã thể hiện rõ quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; thể hiện trách nhiệm cao đối với cả nước, nhất là đóng góp vào GDP, ngân sách nhà nước; tích cực chia sẻ, hỗ trợ các địa phương khác trong hoàn cảnh thiên tai, dịch bệnh...
Đặc biệt, Thủ tướng rất ấn tượng với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm, quyết liệt của thành phố trong tổ chức thực hiện dự án đường Vành đai 4, nhất là công tác giải phóng mặt bằng đã có chuyển biến mạnh, thể hiện rõ vai trò, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, mà đứng đầu là đồng chí Bí thư Thành ủy, đồng thời là Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án; nhờ đó, đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân.
“Tôi tin chắc Hà Nội sẽ khởi công được dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô vào tháng 6 tới”, người đứng đầu Chính phủ nói.
Nhận định tình hình sắp tới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, Thủ tướng mong muốn Hà Nội phát huy hơn nữa tinh thần tự lực, tự cường, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, xây dựng và phát triển Thủ đô toàn diện, nhanh, bền vững, văn hiến, xứng đáng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ của cả nước. Thủ đô phải là hình mẫu cho sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước.
Nhấn mạnh một số quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo điều hành, Thủ tướng yêu cầu thành phố bám sát đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, cụ thể hóa và vận dụng sáng tạo để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.
Cùng với nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí, tiềm năng, tầm quan trọng của thành phố trong sự phát triển chung của cả nước - Thủ đô vì cả nước, cả nước vì Thủ đô, thành phố cũng cần nhận diện rõ các khó khăn, thách thức, tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quá trình phát triển, phát huy hiệu quả mọi tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh, vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, lấy nguồn lực bên trong là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá.
Thành phố phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; chú trọng sơ kết, tổng kết, đúc rút kinh nghiệm hay, bài học quý, cách làm hiệu quả để tiếp tục phát huy, nhân rộng, tạo sức lan tỏa cao. Khuyến khích, bảo vệ những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung, tránh khuynh hướng trông chờ, ỷ lại và sợ trách nhiệm. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của các cấp và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Toàn thành phố xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.
Đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành
Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ nêu 10 nội dung chính đề nghị Hà Nội tập trung thực hiện có hiệu quả.
Thứ nhất, tiếp tục chủ động nắm bắt tình hình, không để bị động, bất ngờ; nâng cao khả năng dự báo những tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế thành phố; phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.
Thứ hai, khẩn trương hoàn thành lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Tổ chức triển khai quy hoạch đô thị thật tốt, vừa hiện đại và bản sắc, mở rộng không gian phát triển, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố.
Thứ ba, thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn, phát triển các thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về miễn, giảm, thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất; giảm lãi suất, cơ cấu lại nhóm nợ, giãn, hoãn nợ… theo thẩm quyền và quy định.
Thứ tư, trong bối cảnh lạm phát trên cả nước vẫn được kiểm soát và giảm dần theo các tháng, cần ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, tập trung thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng chính (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), tăng cả cung và cầu.
Thứ năm, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền; giảm thủ tục, chi phí cho người dân và doan nghiệp.
Thứ sáu, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Kịp thời tháo gỡ khó khăn, giải quyết ngay những bất cập, khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền, hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân
Thứ bảy, đẩy mạnh hợp tác công - tư, huy động các nguồn lực xã hội với các mô hình lãnh đạo công - quản trị tư (như Nhà nước xây dựng chính sách, đấu nối hạ tầng khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư hạ tầng bên trong khu công nghiệp và kêu gọi nhà đầu tư thứ cấp), đầu tư công - quản lý tư (ví dụ Nhà nước xây dựng công viên, giao tư nhân quản lý và khai thác); đầu tư tư - sử dụng công (ví dụ tư nhân xây dựng trụ sở, cơ quan nhà nước sử dụng).
Thứ tám, đổi mới, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành từ thủ công truyền thống sang môi trường điện tử; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06 và tăng cường triển khai dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Thứ chín, phát triển kinh tế - xã hội đi đôi với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngàn năm văn hiến và bảo vệ môi trường. Giải quyết tốt các vấn đề xã hội; thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giải quyết việc làm. Tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục, chất lượng nguồn nhân lực.
Thứ mười, tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.
Cũng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội cần chú trọng công tác phòng, chống các loại dịch bệnh, bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; coi trọng công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; tập trung xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả...
Giải quyết đề xuất, kiến nghị bảo đảm khả thi, đúng hạn
Tại cuộc làm việc, thành phố Hà Nội đề xuất 31 kiến nghị cụ thể thuộc 4 lĩnh vực, trong đó, 17 kiến nghị thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, 14 kiến nghị thuộc các bộ, ngành.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các bộ, ngành, các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã trả lời, cho ý kiến về các kiến nghị liên quan tới việc đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, các dự án đường sắt đô thị, về phát triển nhà ở, các vấn đề liên quan tới đất đai...
Cơ bản đồng tình với các kiến nghị của Hà Nội, Thủ tướng nhấn mạnh 3 nguyên tắc giải quyết các kiến nghị này. Theo đó, các bộ trưởng trực tiếp giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ. Những việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng thì các bộ trưởng phối hợp với Hà Nội đề xuất. Nguyên tắc thứ ba là bảo đảm khả thi, hiệu quả, đúng hạn, kịp thời. Thủ tướng giao Hà Nội rà soát, thống kê các công việc đang vướng mắc, gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-5.
Trong đó, với các vấn đề liên quan đến các dự án đường sắt đô thị, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư xử lý các vướng mắc liên quan tới dự án, Bộ Tài chính xử lý các vướng mắc về vốn, Bộ Giao thông Vận tải xử lý các vướng mắc liên quan tới hướng tuyến; hoàn thành trong quý II-2023.
Về hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động của Quỹ Phát triển đất, Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng Nghị định về tổ chức và hoạt động Quỹ Phát triển đất, trình Chính phủ trong quý III-2023. Về việc ứng vốn từ Quỹ Phát triển đất để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, Bộ Tài chính nghiên cứu xử lý kiến nghị của Hà Nội, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6-2023.
Về đề nghị Hà Nội được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất từ 10ha đất trồng lúa trở lên sang các loại đất phi nông nghiệp phù hợp với quy hoạch, đây cũng là nội dung được nhiều địa phương kiến nghị, Thủ tướng giao các bộ, ngành khẩn trương báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét ban hành Nghị quyết phù hợp.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.