Thời gian qua, huyện Mê Linh quyết liệt vào cuộc triển khai công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, khi huyện công khai phương án giá đền bù đất ở và hỗ trợ tái định cho các hộ dân lại gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách...
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua huyện Mê Linh có chiều dài 11,2km, đi qua địa bàn 5 xã: Văn Khê, Chu Phan, Đại Thịnh, Thanh Lâm và Kim Hoa. Trong đó, tổng diện tích đất cần thu hồi là 134,2ha của hơn 2.700 hộ dân. Đến nay, huyện Mê Linh đã thực hiện di chuyển mộ, chi trả tiền đất nông nghiệp đạt 100% khối lượng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật 3 khu tái định cư đạt 80% khối lượng, dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho 425 thửa đất/409 hộ gia đình, đạt 100% khối lượng...
Tuy nhiên, khi huyện Mê Linh triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ thì các hộ dân thôn Khê Ngoại 2 (xã Văn Khê) lại chưa đồng thuận với các phương án bồi thường đất ở và hỗ trợ đất tái định cư. Trong đó, một số hộ dân đề nghị được mua thêm suất đất tái định cư; một số ý kiến cho rằng giá đền bù đối với đất ao, vườn thấp; đề nghị công nhận đất ao, vườn như đất ở vì hầu hết các thửa đất đều có nguồn gốc cha, ông để lại; đề nghị được bồi thường, hỗ trợ diện tích đất chênh lệch trên giấy tờ và hiện trạng sử dụng đất…
Tương tự, các hộ dân thôn Tân Châu (xã Chu Phan), thôn Nội Đồng (xã Đại Thịnh) có đất ở bị thu hồi đủ điều kiện bồi thường về đất nhưng vẫn còn thửa đất ở khác, đề nghị được xem xét giao đất tái định cư theo Văn bản số 6991/UBND-XDGT ngày 5-10-2015 của UBND thành phố Hà Nội…
Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh Đinh Ngọc Thức cho biết, những kiến nghị, đề xuất của người dân đã được trung tâm phân loại thành các nhóm để tập trung giải quyết. Trong đó, những nội dung thuộc thẩm quyền của huyện, trung tâm sẽ phối hợp với Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu UBND huyện giải quyết ngay. Những nội dung vượt thẩm quyền, huyện đã tổng hợp gửi các sở, ngành và báo cáo UBND thành phố Hà Nội xem xét áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa cho người dân.
Giải quyết thấu đáo kiến nghị của người dân
Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng đất ở Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn huyện Mê Linh, ngày 12-3-2024, UBND thành phố Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát báo cáo UBND thành phố xem xét.
Đặc biệt, sáng 14-3, các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố: Nguyễn Trọng Đông và Dương Đức Tuấn đã chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ và giải quyết vướng mắc khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội trên địa bàn 7 quận, huyện. Lãnh đạo thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm soát chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, bảo đảm đồng nhất giữa các quận, huyện khi thực hiện giải phóng mặt bằng, triển khai dự án. UBND thành phố tán thành quan điểm cần có giải pháp cân bằng giá đất ở làm cơ sở bồi thường, hỗ trợ (đầu đi) với giá thu tiền sử dụng đất khi giao đất tái định cư (đầu đến)…
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho biết, thực hiện sự chỉ đạo này, huyện đã làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để thống nhất nội dung kiến nghị báo cáo UBND thành phố xem xét giải quyết. Cụ thể, đối với các thửa đất có hình thể chéo, méo hoặc thửa đất có nhiều hộ sinh sống bị thu hồi một phần đất, diện tích còn lại không bảo đảm để xây dựng nhà ở, đề nghị thành phố cho phép UBND huyện Mê Linh thu hồi cả thửa đất và xét tái định cư nếu chủ đất có nguyện vọng.
Về hạn mức đất ở đối với những thửa đất có cả đất vườn, ao liền kề, UBND huyện Mê Linh đề xuất, thành phố xác định lại diện tích đất theo quy định tại Điều 24, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Còn 47 thửa đất ở khôn Khê Ngoại 2 (xã Văn Khê) đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước ngày 1-7-2014, đề xuất UBND thành phố chấp thuận cho huyện Mê Linh sử dụng bản đồ giải thửa và sổ mục kê lập năm 1978 làm căn cứ thực hiện thủ tục xác định lại diện tích đất ở.
Đối với những thửa đất 100% là đất vườn, ao trong khu dân cư có nguồn gốc ông, cha để lại nhưng các hộ gia đình đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng và xây dựng nhà, công trình phụ trên đất, sử dụng ổn định trước ngày 1-7-2014, UBND huyện Mê Linh thống nhất với Sở Tài nguyên và Môi trường đề xuất thành phố cho phép chuyển mục đích thành đất ở với hạn mức giao đất 1 lần tối đa 180m2 và phải khấu trừ tiền chuyển mục đích sử dụng đất…
Ngoài những kiến nghị, đề xuất trên, để bảo đảm tiến độ công tác giải phóng mặt bằng Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Huyện ủy Mê Linh giao UBND huyện thành lập tổ công tác thường trực tại UBND các xã để triển khai nhiệm vụ chuyên môn; đồng thời tiếp thu, giải quyết kịp thời kiến nghị của người dân. Đối với trường hợp vẫn còn băn khoăn, thắc mắc, các phòng, ban, đơn vị chức năng của huyện và xã tiếp tục làm việc với từng hộ dân, tập trung giải quyết thấu đáo, bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.