Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài - tiếp đà tăng trưởng

Hồng Sơn| 21/12/2018 07:27

(HNM) - 2018 được dự báo là một năm thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến đầu tháng 12, Việt Nam đã thu hút được gần 31 tỷ USD. Đặc biệt, đang có một số dấu hiệu hé mở hoạt động này sẽ tiếp đà tăng trưởng trong năm 2019...

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty NOBLE (Khu công nghệ cao Hòa Lạc). Ảnh: Thái Hiền


Tính đến đầu tháng 12-2018, các dự án FDI đã giải ngân được 16,5 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2017. Đây là một diễn biến tích cực, cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trong mắt giới đầu tư quốc tế.

Tại diễn đàn doanh nghiệp 2018 được tổ chức mới đây tại Hà Nội, một số tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới, Phòng Thương mại châu Âu cũng như các hiệp hội doanh nghiệp Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đều xác định Việt Nam là thị trường hấp dẫn, giàu tiềm năng, hứa hẹn tương lai sáng sủa cho dòng vốn đầu tư của họ. Trong bối cảnh Việt Nam sẽ tham gia một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, có vị trí địa lý thuận lợi cho vận tải hàng hóa và nhất là có tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới chắc chắn sẽ là những điều kiện tốt để cạnh tranh, xứng đáng là điểm đến cho dòng vốn quốc tế...

Đáng lưu ý là, Việt Nam thu hút được đồng thời cả những dự án mới cũng như dự án cũ nhưng chủ động đăng ký tăng vốn đầu tư. Đơn cử, dự án "Thành phố thông minh" tại huyện Đông Anh (TP Hà Nội) mới cấp phép, với tổng vốn đầu tư 4,138 tỷ USD của Tập đoàn Sumitomo Corporation (Nhật Bản). Trong khi đó, cơ quan chức năng cũng ghi nhận dự án của Công ty TNHH Laguna (Singapore) tại Thừa Thiên - Huế điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 1,12 tỷ USD...

Đặc biệt, hiện có một số chỉ dấu cho thấy sự xuất hiện của một số dự án quy mô lớn, đang triển khai các hoạt động cụ thể để tiến tới mục tiêu có mặt tại Việt Nam. Đó là việc Tập đoàn TPI (Thái Lan) đang ráo riết tìm cơ hội triển khai chuỗi dự án quan trọng như: Cơ sở lưu trữ xăng dầu, nhà máy điện công suất 3.000 MW, cảng chuyên dùng cho nhiên liệu và dịch vụ hậu cần kèm theo tại tỉnh Quảng Trị. Tổng giá trị đầu tư dự tính sẽ lên tới hàng tỷ USD và nếu suôn sẻ thì các dự án này sẽ là cú hích đối với một tỉnh còn khó khăn, chậm phát triển như Quảng Trị.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Total (Pháp) đang có ý định và lập kế hoạch đầu tư dự án điện khí tại Ninh Thuận, với tổng công suất khoảng 4.500 MW; trong đó riêng giai đoạn 1 dự kiến đạt công suất 1.500 MW có mức đầu tư 1,2 tỷ USD. Ngoài ra, một số dự án điện gió, chế biến thực phẩm, du lịch - nghỉ dưỡng... đang trong “tầm ngắm”, thu hút sự quan tâm của các đối tác từ Nhật Bản, EU, Hàn Quốc.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại, cần chú ý thu hút vốn từ các tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp tại các nước có nền công nghệ, tài chính hùng mạnh thuộc khu vực EU, Mỹ, Nhật Bản... để tận dụng thời cơ nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật hiện đại. Làm được như vậy sẽ giúp tăng tốc độ thực hiện công nghiệp hóa nền kinh tế theo hướng bền vững kết hợp bảo vệ môi trường, phòng tránh sự tiêu hao nguồn tài nguyên và năng lượng...

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, thời gian tới Việt Nam sẽ chú trọng gia tăng chất lượng hoạt động thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài theo hướng ưu tiên dự án có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sử dụng nhiều nguyên liệu trong nước và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời, Việt Nam kiên quyết rà soát và từ chối những dự án công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều đất đai hoặc đe dọa môi trường. Hơn nữa, Chính phủ chỉ đạo, đẩy mạnh thu hút vốn nước ngoài kết hợp bảo đảm quyền tự chủ, duy trì sự năng động của nền kinh tế; lựa chọn kỹ đối tác đầu tư, từng bước hạ thấp tỷ trọng lắp ráp, gia công cho doanh nghiệp nước ngoài. Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường công tác hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý theo hướng minh bạch, thông thoáng, phù hợp các cam kết quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài - tiếp đà tăng trưởng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.