Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Kiên trì nâng cao chất lượng

Hồng Sơn| 26/10/2021 06:12

(HNM) - Dòng vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam tăng thấp trong 9 tháng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là dòng vốn vẫn hướng vào những ngành quan trọng, với chất lượng cao. Trong thời gian tới, Việt Nam vẫn tiếp tục kiên trì mục tiêu cải thiện, nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài, ưu tiên dự án công nghệ tiên tiến gắn với chuyển giao công nghệ, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Các cấp, các ngành đã và đang triển khai nhiều giải pháp để cải thiện, nâng cao chất lượng đầu tư nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Katolec Việt Nam (huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài

Theo Tổng cục Thống kê, Việt Nam đã thu hút 22,15 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trong 9 tháng năm 2021, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng trưởng thấp. Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Nhất Hoàng đánh giá, dịch Covid-19 làm suy giảm đầu tư toàn cầu, ảnh hưởng đến dòng vốn vào Việt Nam. Trong nước, tốc độ triển khai nhiều dự án bị chậm lại, dẫn đến giảm sút kết quả giải ngân.

Trưởng ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương) Nguyễn Minh Thảo cho biết, việc giãn cách xã hội làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư đang có kế hoạch đầu tư vào Việt Nam. Do vậy, một số đơn hàng phải chuyển sang các địa bàn khác trong chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia phát triển dần chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam (điển hình là vốn đầu tư từ Hoa Kỳ tăng rất nhanh). Trong các đối tác FDI vào Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore vẫn là những đối tác hàng đầu. Trong 18 ngành kinh tế được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn hơn 11,8 tỷ USD, chiếm 53,4% tổng vốn đăng ký. Nếu xét về số lượng dự án mới, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; bán buôn, bán lẻ; hoạt động chuyên môn, khoa học, công nghệ dẫn đầu, chiếm lần lượt 33,2%, 28,2% và 14,9% tổng số dự án.

Tại hội nghị “Đối thoại tháo gỡ khó khăn đối với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố trong bối cảnh dịch Covid-19” do Thành ủy - UBND thành phố Hà Nội tổ chức mới đây, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam Nguyễn Hải Minh khẳng định, doanh nghiệp không dịch chuyển dây chuyền, nhà máy hay rút vốn. Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn là điểm đến của dòng FDI chất lượng cao từ doanh nghiệp châu Âu.

Tiếp tục chú trọng công nghệ

Thông qua chính sách ưu đãi, Việt Nam tiếp tục kiên trì cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 29/2021/QĐ-TTg ngày 6-10-2021 quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt. Theo đó, Việt Nam đưa ra các mức ưu đãi áp dụng cho nhà đầu tư nước ngoài tùy theo khả năng đáp ứng tiêu chí công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, giá trị gia tăng và có doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất. Điều này cho thấy rõ mục đích gia tăng nguồn vốn quốc tế vào Việt Nam, nhưng nhấn mạnh nhu cầu tiếp nhận những dự án có chất lượng cao, quy mô lớn, có thể lan tỏa sâu rộng đối với nền kinh tế.

Nhận xét về quyết định trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Văn Toàn cho rằng, đây là động thái khẳng định quan điểm ưu tiên dự án chất lượng cao, có khả năng đóng góp tổng hợp và rộng lớn hơn, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Mặt khác, điều đó cũng có nghĩa nhà đầu tư quyết tâm hiện diện lâu dài, từng bước đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất toàn cầu.

Về phía mình, Việt Nam đang nỗ lực đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư để bảo đảm sự chuyển động tương xứng. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, những "nút thắt" của nền kinh tế như hạ tầng giao thông và thể chế đã được nhận diện và từng bước tháo gỡ, nhằm khẳng định vị thế, tiềm năng là điểm đến hấp dẫn của Việt Nam. Chính phủ cũng chú trọng nâng cao chất lượng nhân lực thông qua đầu tư vào giáo dục công, bồi dưỡng văn hóa, tay nghề cho người lao động. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển để sẵn sàng hợp tác, trở thành vệ tinh cho doanh nghiệp nước ngoài nhằm nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm.

Theo nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Phan Hữu Thắng, cùng với việc chọn lọc dự án, tập trung tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư, cơ quan chức năng cũng phải thường xuyên giám sát, kịp thời nắm bắt diễn biến, mức độ thực hiện cam kết của các dự án để bảo đảm tiêu chí chất lượng và hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài.

Còn ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU) và 26/27 quốc gia EU có dự án tại Việt Nam cho thấy xu hướng sẽ có thêm nhiều dự án của EU xuất hiện trong trung và dài hạn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút vốn đầu tư nước ngoài: Kiên trì nâng cao chất lượng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.