Đầu tư

Điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài

Anh Minh 01/01/2024 - 06:29

Hoạt động thu hút, sử dụng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) năm 2023 đã đạt được một số thành quả quan trọng, đáng ghi nhận, tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế. Đó cũng là hành trang để phát huy, tiến tới kết quả tốt hơn trong năm 2024.

kt.jpg
Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty TNHH Canon Việt Nam - doanh nghiệp có vốn đầu tư Nhật Bản (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Viết Thành

Tổng vốn FDI tăng 32,1%

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam năm 2023 đạt 36,61 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022. Trong tổng vốn đăng ký thì vốn đăng ký mới đạt gần 20,19 tỷ USD, tăng 62,2%. Số dự án đăng ký mới cũng đạt 3.188 dự án, tăng 56,6%. Như vậy, cả dự án mới và vốn đăng ký mới đều tăng mạnh. Đây là kết quả rất đáng ghi nhận, trong đó đáng chú ý là riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (là ngành sản xuất đóng góp bền vững cho sự phát triển của nền kinh tế) vẫn dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 23,5 tỷ USD, chiếm 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 39,9% so với năm 2022.

Mức giải ngân vốn FDI cũng đạt con số cao kỷ lục, khoảng 23,18 tỷ USD và tăng 3,5%. Điều này cho thấy, dòng vốn FDI thực sự được chuyển đổi thành nhà máy, dây chuyền sản xuất, tạo ra sản phẩm và chuyển hóa thành hiệu quả kinh tế - xã hội. Những số liệu và diễn biến trên rất ấn tượng, thậm chí còn cao hơn những dự báo lạc quan nhất trong thời điểm đầu năm 2023; thể hiện sức hấp dẫn và khả năng thích ứng, cũng như hiệu quả cạnh tranh về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam, trong bối cảnh cuộc đua mời gọi đầu tư ngày càng quyết liệt trên toàn cầu.

Đáng lưu ý, đến nay, nhiều tỉnh, thành phố đã chuẩn bị và được phê duyệt quy hoạch tổng thể, để trở thành điều kiện “khung” có tính định hướng rõ ràng, đầy đủ thông tin và dễ hiểu, làm dữ liệu đầu vào cho nhà đầu tư đánh giá, lựa chọn trong quá trình tìm hiểu, tiến tới quyết định “xuống tiền” triển khai dự án cụ thể. Một số tỉnh đã chủ động hoàn thiện quy hoạch với hoạt động xúc tiến đầu tư và tạo được sự bứt phá đáng kể, thu về những kết quả xứng đáng trong năm qua như Bắc Giang, Nghệ An…

Nhận định về khả năng thu hút vốn FDI năm 2024, nhìn chung giới chuyên gia vẫn cho rằng, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của giới đầu tư quốc tế. Đó là kết quả chuyển hóa từ sự thành công trong hoạt động vận động đầu tư của Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng chính quyền các địa phương trong thời gian vừa qua. Đơn cử, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có các cuộc đối thoại, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp FDI, lắng nghe kiến nghị, từ đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ nhiều vướng mắc. Chính phủ cũng liên tục cải cách thủ tục hành chính, kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng làm việc trực tiếp, với tinh thần đối thoại, đặt vấn đề và trao đổi toàn diện về thông tin liên quan đến dự án, lĩnh vực thu hút đầu tư, mục đích đầu tư của nhà đầu tư tiềm năng; trong đó đặc biệt quan tâm đến đối tác là tập đoàn đa quốc gia, làm chủ công nghệ hiện đại và tài chính dồi dào. Trên thực tế, đại diện nhiều tập đoàn nước ngoài, trong đó có những tên tuổi lớn trong lĩnh vực bán dẫn, đầu tư, khai thác cơ sở hạ tầng và năng lượng đều xác nhận quan tâm và có ý định tăng cường hợp tác, mở rộng đầu tư tại Việt Nam trong tương lai gần.

Xét ở tầm vĩ mô, từ năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030, với bước đi cụ thể để làm nền tảng và đối chiếu với mục tiêu chung trên cơ sở nâng cao cả về vốn và chất lượng, hiệu quả hoạt động, cũng như tăng mức đóng góp tổng hợp vào quá trình hiện đại hóa nền kinh tế của khu vực FDI. Những nội dung nói trên sẽ tiếp tục thẩm thấu, dẫn hướng cho công tác quản lý, kêu gọi vốn FDI với tính nhất quán, thống nhất cao trên phạm vi cả nước.

Cải thiện các điều kiện nhằm "hút" vốn đầu tư

Trên thực tế, Việt Nam đang ngày càng chủ động, chuyên nghiệp hơn trong chuỗi hoạt động xúc tiến đầu tư, chăm sóc dự án FDI một cách bài bản, toàn diện. Điều đó thể hiện qua việc nhiều địa phương đã xác định rõ định hướng và tập trung đáp ứng đầy đủ nhu cầu đa dạng của nhà đầu tư. Hàng loạt động thái chuẩn bị mang tên “sẵn sàng” được khẳng định: Về quy hoạch, hạ tầng, nguồn nhân lực… bên cạnh sự quyết tâm, liên tục cải cách thủ tục hành chính, đồng hành cùng nhà đầu tư nước ngoài.

Xét từ góc độ của nhà đầu tư, hiện nhiều tên tuổi, đối tác giàu tiềm năng vẫn kiên định quan điểm, mục đích duy trì sự hiện diện lâu dài, mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro), mặc dù tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn nhưng vẫn có hơn 56% số doanh nghiệp nước này chọn phương án mở rộng quy mô hoạt động tại Việt Nam. Trong khi đó, đại diện Tập đoàn Apple cho biết mong muốn đầu tư, triển khai dự án nhằm mở rộng chuỗi cung ứng tại thị trường Việt Nam.

Sự ổn định và những tiến bộ của Việt Nam ngày càng được khẳng định, để trở thành điều kiện thuận lợi cho việc thu hút vốn FDI trong năm 2024. Mới đây, Fitch Ratings - một tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế, đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên mức BB+ với triển vọng ổn định, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam đang có lợi thế trong thu hút FDI nhờ viễn cảnh kinh tế tích cực. Các chuyên gia cũng đánh giá tốt sự cộng hưởng của một số diễn biến, yếu tố và lợi thế quan trọng như tốc độ tăng trưởng khá cao bên cạnh sự ổn định về kinh tế vĩ mô, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang thực hiện, cùng làn sóng dịch chuyển địa bàn sản xuất, chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Những yếu tố đó cho phép tin tưởng, năm 2024 sẽ tiếp tục là năm "được mùa" của thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điểm sáng thu hút vốn đầu tư nước ngoài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.