(HNM) - Những năm qua, nhiều bộ, ngành, địa phương trong cả nước đã quan tâm xây dựng chính sách “trải thảm đỏ” thu hút nhân tài vào làm việc. Tuy nhiên, nhìn chung, các cơ chế này chưa phát huy hiệu quả như mong muốn, đòi hỏi cần có giải pháp mang tính chiến lược để thu hút, trọng dụng và giữ chân được nhân tài vào làm việc trong khu vực công để họ yên tâm cống hiến cho đất nước.
“Thảm đỏ” chưa đủ sức hút
Là một trong những địa phương luôn quan tâm tới chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, đến nay, Đà Nẵng đã tiếp nhận và bố trí công tác cho 1.269 người tốt nghiệp đại học công lập hệ chính quy trở lên. Với những chính sách vượt trội so với đối tượng khác trong cùng cơ quan, đồng thời được ưu tiên trong tuyển dụng công chức, viên chức, song theo Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng Võ Ngọc Đồng, mức thu nhập khi làm việc tại các đơn vị khu vực công còn thấp vẫn chưa đủ “lực hút”.
Tại Hà Nội, những năm qua, thành phố đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm khuyến khích, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, thành phố Hà Nội đã thực hiện chính sách tuyển dụng thẳng sinh viên đỗ tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học, cao đẳng vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc. Nhiều người sau khi được tuyển dụng đã phát huy năng lực, hiệu quả trong công tác, được đề bạt, bổ nhiệm. Tuy vậy, có những thủ khoa sau một thời gian công tác vì lý do thu nhập thấp đã xin thôi việc.
Theo Thành đoàn Hà Nội, từ năm 2003 đến năm 2018, thành phố đã tuyên dương 1.705 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa các trường đại học, học viện trên địa bàn, đã có 186 thủ khoa xuất sắc được tuyển dụng và hiện còn 156/186 người đang công tác tại các cơ quan của thành phố. Số còn lại đã thôi việc, chuyển việc vì nhiều lý do khác nhau.
Vốn là thủ khoa Học viện Hành chính quốc gia năm 2012, được đặc cách tuyển dụng vào Phòng Quản lý xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội), chị Bùi Thị Thúy Hằng chia sẻ, nhận công tác, chị được lãnh đạo tin tưởng giao việc ngay nên sớm hòa nhập với công việc. Là phụ nữ, không bị áp lực nhiều về kinh tế nên chị thấy đây là môi trường phù hợp và muốn gắn bó lâu dài. Tuy nhiên, cũng có trường hợp được tuyển dụng tương tự như chị Hằng vào làm tại Sở Xây dựng nhưng do lương thấp nên sau hơn một năm đã thôi việc.
Tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau nhiều năm triển khai chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài cũng đã có những kết quả. Tuy nhiên, Thạc sĩ Lê Thị Lệ, Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nêu thực tế, do chế độ đãi ngộ của Nhà nước đối với các đơn vị trong khu vực công kém hấp dẫn, nên số cán bộ có trình độ không được bổ sung kịp thời.
Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Thái (Đại học Quốc gia Hà Nội) băn khoăn: “Chúng ta đã nói rất nhiều về chính sách trọng dụng nhân tài, nhưng về mặt pháp lý vẫn chưa có luật hay pháp lệnh quy định một cách chuyên biệt về vấn đề này”.
Phân tích quy định “Bổ nhiệm ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức và xếp lương tương ứng với trình độ đào tạo sau khi kết thúc thời gian tập sự” tại Nghị định 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ, Giáo sư Phạm Hồng Thái cho rằng: "Chính sách này không hấp dẫn, bởi người có bằng thạc sĩ khi được tuyển dụng cũng chỉ có hệ số lương khởi điểm là 2,67, có bằng tiến sĩ hệ số lương khởi điểm chỉ là 3,00. Trong khi tình trạng tuyển dụng dựa vào "quan hệ" vẫn âm thầm diễn ra thì khó có thể nói tới trọng dụng nhân tài".
Giải pháp thu hút và giữ chân nhân tài
Cần phải có chiến lược phù hợp để thu hút và trọng dụng nhân tài vào làm việc trong khu vực công là yêu cầu đang đặt ra. Tiến sĩ Dương Quang Tung, nguyên Phó Viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước (Bộ Nội vụ) khẳng định, nhân tài cần phải có mặt ở một số vị trí công việc nhất định trong khu vực công như: Các vị trí lãnh đạo, quản lý; các vị trí tham mưu, hoạch định chủ trương, đường lối, chính sách phát triển; các vị trí công việc đòi hỏi phải có kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cao. Để thu hút và trọng dụng nhân tài, không chỉ quan tâm đến vấn đề đãi ngộ mà cần phải thực hiện nhiều giải pháp.
Dẫn chứng 40 người thuộc Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Đà Nẵng xin thôi việc sau khi đã nhận công tác và thực trạng không ít người giỏi tại một số địa phương xin thôi việc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Thông (Trợ lý Chủ tịch Quốc hội) khẳng định: “Thu hút nhân tài đã khó, nhưng giữ chân nhân tài còn khó hơn. Nhân tài rất cần môi trường để thể hiện năng lực, do đó, cần phải “dụng nhân như dụng mộc”, phải dùng tài năng của họ vào đúng việc, đúng sở trường”.
Thực tế tại Hà Nội, đã có nhiều thủ khoa xuất sắc không lựa chọn khu vực công cho con đường phát triển sự nghiệp của mình. Là thủ khoa Trường Đại học Ngoại thương năm 2016, Phạm Huy Viết cho biết, anh đã chọn làm việc cho một công ty tư nhân bởi mức lương cao và quan trọng là ở môi trường này có cơ hội để phát triển năng lực chuyên môn. Ngoài ra, còn có những người chọn con đường du học để tiếp tục vun đắp dự định tương lai.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, hiện Bộ Nội vụ đã thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ biên tập xây dựng Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” thực hiện trong giai đoạn 2020-2025.
Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là sẽ phải rà soát, hoàn thiện các chính sách về thu hút, trọng dụng nhân tài để đưa vào áp dụng, dần loại bỏ các "điểm nghẽn" hiện nay. Trong đó, tập trung vào việc tăng chế độ đãi ngộ và trọng dụng sử dụng nhân tài đúng năng lực, sở trường.
Hy vọng rằng, với cách làm bài bản, có lộ trình, Đề án “Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài” khi được ban hành và triển khai sẽ tháo gỡ được những tồn tại, hạn chế đang đặt ra, tạo đột phá về thu hút và phát huy trình độ, năng lực của nhân tài, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị nước ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.