Góc nhìn

Thu hút và trọng dụng nhân tài

Quỳnh Anh 16/03/2024 - 07:08

Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và ngày càng lên cao. Nguyên khí suy thì thế nước yếu và ngày càng xuống thấp.

Để xây dựng đất nước giàu mạnh, việc thu hút và trọng dụng nhân tài có vai trò vô cùng quan trọng.

Suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, các triều đại phong kiến thường có nhiều chính sách chiêu mộ người hiền tài, hình thức là tổ chức các kỳ thi khắt khe để phát hiện và trọng dụng người tài. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông xuống chiếu thi “Minh kinh bác học”, mở đầu cho truyền thống khoa cử ở Việt Nam từ thế kỷ XI đến thế kỷ XIX... Nhờ chính sách đào tạo, tuyển chọn và đối đãi trọng hậu với người tài mà các bậc minh quân thời Lý, Trần, Lê đã xây dựng được triều đại thái bình, thịnh trị.

Nhìn rộng ra thế giới, các nước như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản vươn lên trở thành cường quốc đều nhờ rất lớn vào chính sách thu hút và trọng dụng Nhìn rộng ra thế giới, các nước như Mỹ, Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc vươn lên trở thành cường quốc đều nhờ vào chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Như ở Mỹ, nước này ban hành nhiều chính sách, đạo luật, trong đó nổi bật là chính sách nhập cư nhằm phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong môi trường đa sắc tộc, tôn giáo, văn hóa. Đức có hệ thống giáo dục đại học chất lượng cao, chú trọng phát triển nhân tài ngay từ khi còn trẻ. Nhật Bản có chính sách tuyển chọn nhân tài nghiêm ngặt, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý...

Kế thừa và phát huy truyền thống của ông cha trong lịch sử, tiếp thu kinh nghiệm quốc tế, từ khi thành lập đến nay, Đảng ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến việc thu hút, trọng dụng nhân tài; ban hành nhiều chính sách liên quan đến thu hút, trọng dụng nhân tài, đưa nội dung này thành chủ trương, chính sách nòng cốt trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng xác định: “Có cơ chế, chính sách đặc biệt để thu hút nhân tài của đất nước”, “xây dựng cơ chế, chính sách đãi ngộ, thu hút, trọng dụng nhân tài”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài”... Nhờ trọng dụng, tạo môi trường thuận lợi để người tài phát huy sáng tạo; biết dùng người tài đúng lúc, đúng việc, đúng chỗ, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay.

Song, những hạn chế, bất cập trong thu hút nhân tài cũng là một nguyên nhân làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta.

Việc trọng dụng hiền tài quyết định trực tiếp đến sự tồn vong của quốc gia, sự trường tồn và phát triển của dân tộc. Nhận thức rõ vấn đề này nên chủ trì phiên họp đầu tiên của Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng (ngày 13-3), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng đã yêu cầu: “Kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn”.

Vậy làm thế nào để phát hiện sớm người tài, chọn đúng người tài? Muốn vậy, phải phát huy trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội, trách nhiệm của mọi công dân trong việc phát hiện người tài. Các cấp chính quyền, bộ, ngành từ trung ương xuống đến cơ sở cần tiếp tục thực hiện tốt Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Nhân tài có thể xuất hiện ở nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Do đó, phải dùng người đúng chỗ, đúng việc; phải xem người ấy xứng với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng năng lực, sở trường của họ, cũng không được việc. Bên cạnh đó, phải có chính sách đãi ngộ xứng đáng đối với người tài; loại bỏ tư tưởng bổ nhiệm cán bộ theo hình thức thân - quen, “cục bộ địa phương”, “con ông cháu cha” để thu hút hiền tài góp công sức, tâm trí vào sự nghiệp phát triển đất nước...

Hiện nay, Đảng ta đang tiến hành các công việc chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV (dự kiến diễn ra vào quý I-2026). Hơn bao giờ hết, công tác lựa chọn nhân sự Trung ương khóa XIV vừa có đức vừa có tài, trong đó đức là gốc và kiên quyết không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài như yêu cầu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hết sức quan trọng. Bởi, đây là đội ngũ tinh hoa của Đảng, đòi hỏi phải thật sự vững vàng, có đủ bản lĩnh, phẩm chất, trí tuệ và có uy tín cao để giải quyết những công việc ở tầm chiến lược, xử lý kịp thời, đúng đắn, có hiệu quả những tình huống phức tạp có quan hệ đến sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, sự sống còn của chế độ.

Phát hiện và trọng dụng những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn chính là “chìa khóa” để đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thu hút và trọng dụng nhân tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.