Chính trị

Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài

Hà Phong 11/12/2023 - 18:08

Chiều 11-12, Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức tọa đàm ''Sửa Luật Thủ đô: Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài''. Các đánh giá cho thấy, qua 10 năm thi hành Luật Thủ đô 2012, một số quy định, điều khoản về thu hút, trọng dụng nhân tài đã không còn phù hợp thực tiễn.

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Điều 17 dự thảo Luật đã thiết kế 2 khoản, khoản 1 là về thu hút, trọng dụng nhân tài và khoản 2 là về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô. Trong đó có đưa ra các quy định về đối tượng, quy định các chính sách kèm theo, thể hiện được tinh thần vượt trội, không những tuyển dụng các sinh viên xuất sắc, mà mở rộng thêm cả người nước ngoài; đồng thời bao quát ở nhiều lĩnh vực.

4(2).jpg
Quang cảnh tọa đàm.

TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, thực tế, Hà Nội mới thu hút được 55 sinh viên tốt nghiệp thủ khoa xuất sắc, 77 vận động viên có thành tích cao, 32 bác sĩ chuyên khoa nội trú trong 10 năm qua. Mặc dù thành phố quan tâm, trọng dung nhân tài nhưng hiệu quả chưa nhiều. Các chính sách mới rất mạnh mẽ, giao thẩm quyền trách nhiệm nhiều hơn để phát huy vai trò tự quản chính quyền, đặc biệt yếu tố con người, những người có tài năng, phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần cống hiến phát huy trí lực.

“Hiện nay có thuận lợi là trong giai đoạn chúng ta làm lương theo vị trí việc làm, vì thế phải chọn người đúng vị trí với việc làm. Những nội dung này đại biểu Quốc hội và người dân đều hiểu, điều quan trọng là trong Luật phải quy định cụ thể quyền lợi và trách nhiệm. Người được lựa chọn vào vị trí người tài, nhân lực chất lượng cao là ai. Vì vậy, quan trọng là phải có cơ chế đặc biệt, có sự phân cấp phân quyền rõ ràng trong tuyển dụng”, TS Trần Anh Tuấn nhấn mạnh.

7(2).jpg
TS Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội khoa học hành chính Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ

Cũng theo TS Trần Anh Tuấn, điểm mới trong dự thảo Luật là thay đổi, mở rộng thêm các đối tượng; đồng thời, thể hiện tinh thần phân quyền của Trung ương cho HĐND thành phố Hà Nội. Nếu HĐND thành phố ban hành nghị quyết, sẽ cụ thể hóa được cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, cần quy định rõ điều kiện, tiêu chuẩn, điều kiện thế nào để trở thành nhân tài, phải chia ra các nhóm khác nhau. Khi chính sách này được áp dụng, phải quy định rõ công việc, vị trí việc làm thế nào để thể hiện được chính sách vượt trội. Cùng đó, có cơ chế, thủ tục tuyển dụng đơn giản; khi tuyển dụng vào rồi phải có quá trình đào tạo, bồi dưỡng, sát hạch, điều chỉnh chính sách. Quan trọng nhất, đó là phải có môi trường cho họ phát huy được năng lực, bảo đảm điều kiện về lương, chính sách vượt trội mới có thể giữ chân được người tài.

8(2).jpg
TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (hiện là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội).

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (hiện là Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội) đánh giá, việc thu hút nhân tài ở tầm quốc gia hay tầm thời đại cũng vậy đều rất quan trọng. Thủ đô Hà Nội có vị trí rất đặc biệt, rất cao. Ví dụ như cũng là giao thông, văn hóa ở Hà Nội khác các nơi khác, vì vậy cần phải có nguồn nhân lực để thu hút người tài thật sự, chứ đừng nhầm lẫn với người học giỏi, bằng cấp cao.

“Tôi rất đồng tình với việc dùng đúng người, phân công công việc rõ theo vị trí việc làm, công tác cán bộ chính sách phải cụ thể. Luật phải có cơ chế rõ ràng, gắn rõ quyền lợi và trách nhiệm. Phải nêu rõ thẩm quyền ai là lựa chọn người tài. cũng phải nêu trách nhiệm của người tuyển dụng để chọn đúng người; người tuyển dụng phải có tầm nhìn, tuyển đúng người, đúng việc thì mới ra người tài”, TS. Nguyễn Viết Chức nói.

9(1).jpg
TS. Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Ở góc nhìn khác, TS. Đoàn Thị Tố Uyên - Trưởng khoa Pháp luật Hành chính - Nhà nước, Trường Đại học Luật Hà Nội nói, thời gian qua, các cơ quan của Hà Nội chưa thực sự chủ động trong việc tìm người tài, chủ yếu tìm kiếm người tài qua thành tích học tập xuất sắc, chưa thực sự tìm kiếm qua thực tiễn, quá trình làm việc. Kết quả thực hiện chính sách thu hút, sử dụng nhân lực chất lượng cao theo quy định của Luật Thủ đô năm 2012 chưa thực sự hiệu quả, nguyên nhân lớn chủ yếu tuyển dụng họ vào rồi nhưng vị trí việc làm chưa phát huy được năng lực, sở trường. Cùng đó, chế độ chính sách dành cho những người tài chưa thể giữ chân được họ vì còn những rào cản về thể chế, văn hoá công sở - tập thể, còn có sự đố kị, chưa tạo được môi trường cho người tài phát huy được năng lực. Do đó, Hà Nội chưa thu hút, trọng dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo cơ chế đột phá trong thu hút, trọng dụng nhân tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.