Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài cần phải linh hoạt; không phân biệt loại hình đào tạo, dân tộc, tôn giáo, giới tính.
Chiều 25-4, Báo Kinh tế & Đô thị và Trường Đại học Luật Hà Nội đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học “Thu hút, trọng dụng nhân tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi)”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nêu rõ, sau hơn 10 năm thi hành, Luật Thủ đô năm 2012 được coi là đạo luật có tính đặc thù riêng, mở đường về mặt thể chế, tạo thuận lợi trong việc phát triển Thủ đô. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nhất là việc triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô sẽ là một trong những giải pháp cấp thiết để phát huy tầm nhìn bao quát hơn, tương xứng với tiến trình phát triển mạnh mẽ của Thủ đô ngàn năm văn hiến, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại…
Khẳng định dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) là một bước tiến lớn trong công cuộc hoàn thiện thể chế về xây dựng, phát triển Thủ đô trong bối cảnh mới, trong đó, các chính sách về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã được đề cập một cách rõ nét, thể hiện tầm quan trọng trong chiến lược về con người của nước ta, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi nhấn mạnh, Điều 16 trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) về thu hút, trọng dụng người có tài và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao có nhiều điểm tiến bộ vượt bậc so với quy định trong văn bản trước đây, khi Luật Thủ đô năm 2012 chỉ đặt ra quy định chung về vấn đề quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục theo nguyên tắc tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô và cả nước.
Phát huy điểm tiến bộ này, Ban tổ chức kỳ vọng, thông qua hội thảo, các đại biểu, chuyên gia sẽ phân tích và làm rõ hơn nhận thức chung về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và vấn đề trọng dụng nhân tài hiện nay, đề xuất cơ chế, chính sách cụ thể để thu hút nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô nghìn năm văn hiến.
Đã có gần 20 tham luận gửi đến hội thảo. Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu và chuyên gia đã cùng thảo luận xung quanh một số nội dung trọng điểm, bao gồm phân tích thực trạng chính sách, pháp luật về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao ở khu vực công và công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam hiện nay. Qua đó, vận dụng quan điểm của Đảng về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài, liên hệ thực tiễn tại Thủ đô Hà Nội…
Nhiều đề xuất giải pháp hữu ích được nêu, bao gồm: Tiếp tục quán triệt và thể chế hóa kịp thời quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ trí thức, có cơ chế phát huy dân chủ, tự do sáng tạo và đề cao đạo đức, trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học. Trọng dụng, đãi ngộ thỏa đáng đối với nhân tài, các nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số và hội nhập quốc tế hiện nay…
Cùng với đó là tiếp tục hoàn thiện và nâng cao hiệu quả thi hành chính sách, pháp luật về thu hút, trọng dụng nhân tài; tạo môi trường, điều kiện làm việc thuận lợi cho nhân tài; tăng cường học tập kinh nghiệm quốc tế về thu hút nhân tài…
Nhiều đại biểu kiến nghị cần phải xây dựng và thực hiện một quy trình khoa học trong việc tuyển dụng, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài cho cả thời kỳ dài, bảo đảm tính kế thừa, liên tục; tạo cơ hội để người tài được tuyển dụng và thể hiện năng lực, sự tâm huyết của họ.
Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, trọng dụng nhân tài cần phải linh hoạt, chủ động, kịp thời, dân chủ, công minh; không phân biệt loại hình đào tạo, dân tộc, tôn giáo, giới tính..., bảo đảm tạo đột phá và tăng sức hấp dẫn đối với nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội phát triển nhanh, bền vững./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.