(HNM) - Giáp ranh tỉnh Hòa Bình, tách biệt hoàn toàn với xã, đời sống của gần 300 nhân khẩu thuộc 70 hộ dân thôn Đồi Ngai, xã Hoàng Văn Thụ (huyện Chương Mỹ) đang giữ những kỷ lục buồn: Có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, đường giao thông chưa được bê tông hóa, chưa có đảng viên, chi bộ... Trẻ em đến trường, người dân khám chữa bệnh… đều phải nhờ xã Nam Phương Tiến bên cạnh.
Tuy thuộc xã Hoàng Văn Thụ nhưng thôn Đồi Ngai lại nằm trong địa giới hành chính của xã Nam Phương Tiến. Con đường duy nhất đến Đồi Ngai bụi mù đất đỏ, lổn nhổn sỏi, đá. Mỗi khi có việc về trụ sở UBND xã, người dân phải vượt quãng đường hơn 10km trời nắng thì bụi, mưa thì lầy lội. Những ngôi nhà nhỏ bé nằm thưa thớt, chỉ duy nhất 1 hộ có nhà tầng mà chủ nhân vừa may mắn "phất" lên nhờ nghề "cò" đất vài năm trước.
Những năm 1970, một số hộ dân thuộc thôn Yên Trình, xã Hoàng Văn Thụ, đến đây khai hoang, làm kinh tế, lâu dần hình thành khu dân cư ngay chân núi thuộc địa giới xã Nam Phương Tiến. Chủ tịch UBND xã Hoàng Văn Thụ Trương Văn Cừ cho biết, do Đồi Ngai nằm tách biệt hoàn toàn về mặt địa giới hành chính với xã nên việc triển khai tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước rất khó. Hệ thống loa truyền thanh của xã không thể kéo cả chục kilômét, chạy qua xã khác rồi đến Đồi Ngai được. Do vậy, việc nắm bắt thông tin của người dân cũng rất "phập phù". Cùng với khó khăn về địa lý, thôn Đồi Ngai cũng là nơi duy nhất trên địa bàn huyện Chương Mỹ chưa có đảng viên và chưa thành lập được chi bộ. "Mấy năm nay, năm nào chúng tôi cũng tìm kiếm quần chúng để giúp đỡ, kết nạp vào đảng nhưng chưa được ai". - Ông Cừ cho biết. Theo giải thích của Chủ tịch UBND xã, thanh niên trong độ tuổi sinh hoạt đoàn cũng có người khá năng nổ, nhiệt tình. Xã đã phân công đảng viên dìu dắt, giúp đỡ nhưng vì nhiều lý do, có người do hoàn cảnh khó khăn nên phải đi làm ăn xa, thời gian phấn đấu gián đoạn, có người sau thời gian phấn đấu lại sinh con thứ 3… nên đến nay vẫn chưa có được đảng viên nào.
Cái nghèo, cái khó cứ mãi đeo đẳng người dân Đồi Ngai không chỉ bởi sự xa xôi, cách trở của thôn mà còn bởi dân trí ở đây quá thấp, theo Phó Trưởng thôn Nguyễn Văn Mạnh, cả thôn đến nay có 2 người học xong cao đẳng nghề. Trường hợp tốt nghiệp THPT, THCS cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. "Trẻ em ở Đồi Ngai chỉ học đến hết lớp 6, lớp 7 là nghỉ, đi làm thuê kiếm ăn. Hơn nữa, việc học hành của các em cũng khó bởi thôn không có trường. Tất cả học sinh từ bậc mầm non đến THCS đều phải học nhờ ở xã Nam Phương Tiến chứ không thể đi 10km để về Hoàng Văn Thụ học được". - Ông Hạnh cho biết.
Ông Bạch Viết Trường vào Đồi Ngai làm kinh tế từ năm 1985, khi thôn chỉ có chục nóc nhà. Sau gần 30 năm, đến nay ông vẫn thuộc diện hộ nghèo. Ông Trường ngậm ngùi: "Do nhận thức hạn chế nên không áp dụng được khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lúa, ngô thu hoạch chẳng được là bao. Mặt khác, ở Đồi Ngai, người dân chỉ trông vào cây lúa, trong khi đó thủy lợi ở đây lại phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên. Năm mưa nhiều thì dễ ngập úng, mưa ít thì lúa giảm năng suất, thậm chí chết khô vì không có hệ thống kênh mương dẫn nước. Chính bởi vậy, chắt chiu lắm thì người dân cũng chỉ đủ ăn chứ không có nhà nào khá được". - Ông Trường cho biết.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, ngoài chăm sóc mấy sào ruộng, thời gian nông nhàn, phụ nữ trong thôn đi cấy, gặt thuê; còn cánh đàn ông đi bốc vác thuê. Một ngày đi bốc vác thuê, mỗi người kiếm được 100.000-150.000 đồng nhưng việc bấp bênh, thu nhập không ổn định. Đến nay, cả thôn Đồi Ngai có 70 hộ dân, với gần 300 nhân khẩu, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên tới 32 hộ, chiếm 45% dân số.
Các hộ dân ở đây ao ước có được một trạm điện, dù nhỏ cũng được, miễn là đủ để thắp sáng và sinh hoạt. Từ trước đến nay, các hộ dân phải kéo nhờ điện của xã Nam Phương Tiến. Vào các giờ cao điểm, từ 17h đến 20h hằng ngày, đèn không sáng nổi, cơm nấu không chín được. Đồi Ngai mong muốn được sắp xếp lại địa giới hành chính để không còn cảnh là "ốc đảo" xa xôi nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.