(HNMO) - Thông tin trên được đưa ra tại hội nghị tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế tổ chức sáng 12-7 tại Hà Nội.
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trải qua 9 năm thực hiện, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã có những ảnh hưởng quan trọng và giúp lĩnh vực khám, chữa bệnh có bước phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện Luật cũng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Một số quy định chưa bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam và bảo đảm tính hội nhập quốc tế.
“Đây là hội nghị rất quan trọng, những ý kiến đưa ra tại hội nghị này cũng như hội nghị khu vực phía Nam sắp tới là tiền đề để Bộ Y tế và Ban soạn thảo xây dựng dự thảo Luật mới đáp ứng những đòi hỏi, yêu cầu của thực tiễn”, Bộ trưởng Bộ Y tế nói.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh và đã tạo hành lang pháp lý khá thuận lợi cho hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và giấy phép hoạt động. Tính đến tháng 12-2018, toàn quốc đã cấp chứng chỉ hành nghề cho 363.407 cá nhân và đã cấp giấy phép hoạt động cho 49.984 cơ sở khám, chữa bệnh.
Số lần khám bệnh đạt gần 230 triệu lượt, trong đó có khoảng 178 triệu lượt khám chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế, số lần khám bệnh bình quân đạt 2,4 lần/người dân.
Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước, tùy theo loại hình khám bệnh. So với năm 2012, thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút/1 lượt khám.
Thành tựu lớn nhất trong thời gian qua là đã từng bước khôi phục, củng cố và phát triển được mạng lưới y tế cơ sở. Từ sự tan rã của các trạm y tế xã ở nông thôn trong những năm 1986-1993 khi thực hiện cơ chế mới trong nông nghiệp, đến nay, 100% số xã đã có trạm y tế (99,4% xã có nhà trạm, 0,6% phải nhờ các cơ sở khác); 87,5% trạm y tế xã có bác sỹ làm việc; 97% có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi; 74,3% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế hoạt động (ở nông thôn, miền núi là 96%); gần 80% trạm y tế xã thực hiện khám, chữa bệnh bằng thẻ bảo hiểm y tế.
Tại hội nghị, các đại biểu đã đưa ra nhiều đề xuất để bổ sung, chỉnh lý Luật Khám bệnh, chữa bệnh đáp ứng yêu cầu phát triển mới như: bổ sung quy định về các hình thức tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quân đội (Đội điều trị, bệnh xá, trung tâm y tế, tổ quân y có giường lưu); xem xét đổi tên Luật Khám bệnh, chữa bệnh thành Luật Dịch vụ y tế, trong đó quy định tất cả các đối tượng làm việc chuyên môn y tế phải có giấy phép hành nghề (không phân biệt điều trị hay dự phòng, lâm sàng hay cộng đồng); xây dựng cơ sở dữ liệu nhân lực y tế quốc gia để dự báo và xác định quy mô đào tạo phù hợp; xem xét xây dựng quy trình thanh tra chuyên ngành y tế phù hợp với tính chất đặc thù để khi tác nghiệp phù hợp với thực tế.
Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua vào ngày 23-11-2009 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2011. Đây là đạo luật đầu tiên thể chế hóa quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; tạo hành lang pháp lý cho hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, đáp ứng yêu cầu điều chỉnh các mối quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.