(HNM) -
Ngày 21-10-2010, Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp, chỉnh trang tuyến đường tỉnh lộ 422 (đoạn Trạm Trôi - cầu Sơn Đồng dài hơn 2,8km) được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt với mục tiêu chính là tăng cường năng lực giao thông cho tuyến đường, góp phần chỉnh trang đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương. Tổng mức đầu tư dự án là 88,484 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 66,157 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư do ngân sách thành phố cấp. Theo quyết định phê duyệt, đoạn I từ Km 0 đến Km 0+539.71 qua thị trấn Trạm Trôi có mặt cắt ngang rộng 11m; đoạn từ Km 0 + 539.71 đến Km 2 + 801.46 từ Đức Giang đi Sơn Đồng có mặt cắt rộng 7m.
Tìm hiểu được biết, tháng 5-2013, chủ đầu tư là UBND huyện Hoài Đức đã khởi công dự án, nhưng phải dừng thi công từ đầu năm 2014 do không được cấp vốn. Nhiều hạng mục thi công dở dang khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Bà Nguyễn Thị Hà, thôn Lưu Xá, xã Đức Giang bức xúc: Ngày nào cũng vậy, cứ vào giờ cao điểm đưa đón học sinh (7h sáng, 4h30 - 5h chiều) là đoạn đường qua thôn Lưu Xá đều bị ùn tắc, khiến việc đi lại của người dân rất vất vả. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới đoạn từ cọc C47 đến C83 qua địa phận xã Đức Giang, đã thi công xong phần nền, thoát nước và thảm thô khoảng 300m. Các hạng mục còn lại đều thi công dở dang.
Lý giải nguyên nhân dự án triển khai ì ạch khiến người dân bức xúc, ông Nguyễn Huy Hoàng, Trưởng ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Hoài Đức cho biết: Năm 2013, dự án được cấp 10,5 tỷ đồng và đã hoàn thành giải ngân ngay trong năm. Năm 2014, do không được cấp vốn nên dự án phải dừng triển khai. Ông Hoàng cũng thừa nhận, tuyến đường 422 là trục giao thông chính của huyện Hoài Đức nên hằng ngày mật độ tham gia giao thông rất lớn, nhất là đoạn qua xã Đức Giang (từ vị trí cọc C47 đến cọc C76) do hai bên tuyến đường có nhiều cửa hàng sản xuất, kinh doanh lương thực, lượng xe tải, nhiều xe container ra, vào, xuất nhập hàng nên vào giờ cao điểm thường xảy ra ùn tắc giao thông.
Để sớm khắc phục tình trạng trên, đề nghị UBND thành phố nhanh chóng bố trí kế hoạch cấp vốn cho dự án này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và thúc đẩy phát triển kinh tế tại các làng nghề của hai xã Đức Giang, Sơn Đồng nói riêng và huyện Hoài Đức nói chung.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.