(HNM) - Sản xuất nông nghiệp vẫn ở quy mô nhỏ, manh mún, ngân sách nhà nước hỗ trợ còn phân tán, chưa quan tâm đầu tư hạ tầng...
Nông dân huyện Mê Linh chăm sóc rau màu. Ảnh: Bá Hoạt |
Kết quả chưa tương xứng
Sau gần 3 năm triển khai Chương trình 02 của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2011-2015", Hà Nội đã xây dựng được 34 vùng sản xuất hàng hóa chất lượng cao, với 10.670ha ở 11 huyện. Tuy nhiên, việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu quy hoạch bài bản, nên manh mún, nhỏ lẻ. Phó Chủ tịch HĐND TP Lê Văn Hoạt cho rằng, sản xuất nông nghiệp chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ, phân tán, chưa có giải pháp hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Hà Nội chưa tạo được những sản phẩm chủ lực, chưa xây dựng được vùng nguyên liệu tập trung nên khó tiêu thụ, lợi nhuận thấp. Mặc dù đã xây dựng được một số mô hình nông nghiệp giá trị cao, nhưng khó nhân ra diện rộng. Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hà Nội Nguyễn Văn Nam, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân, nhà khoa học) còn nhiều hạn chế. Cơ cấu trong nông nghiệp vẫn chuyển dịch quá chậm, thiếu bền vững. Công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, xây dựng chuỗi liên kết giá trị còn lúng túng, việc tiêu thụ nông sản phẩm chủ yếu qua tư thương, bán lẻ, nên hiệu quả thấp, người sản xuất không có lãi.
Đầu tư thấp, huy động nguồn lực khó khăn
Trong 3 năm, ngân sách thành phố đã bố trí 153 tỷ đồng để thực hiện 4 chương trình, đề án nông nghiệp lớn. Riêng năm 2013, ngân sách bố trí 157,8 tỷ đồng để hỗ trợ giống, vật tư, tập huấn, học tập kinh nghiệm cho chủ trang trại, HTX và nông dân. Ngoài ra, các huyện cũng dành kinh phí để triển khai các chương trình, đề án. Đoàn giám sát của HĐND thành phố kết luận: Việc hỗ trợ theo chương trình, đề án còn phân tán, chưa quan tâm hỗ trợ hạ tầng cơ sở vật chất phục vụ sản xuất, chủ yếu hỗ trợ một số mô hình tập trung, HTX, chưa có giải pháp cụ thể hình thành vùng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, nhiều khâu, nông dân bị động như chế biến, tiêu thụ sản phẩm… Phương thức hỗ trợ chủ yếu là trực tiếp cho hộ sản xuất trong phạm vi hẹp, ít đối tượng được hưởng lợi, không thu hút được số đông hưởng ứng nên không khuyến khích được nông dân tham gia sản xuất tập trung.
Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Lê Văn Hoạt cho rằng, trung ương chưa có cơ chế, chính sách hỗ trợ tổng thể, đồng bộ cho phát triển nông nghiệp, một số cơ chế chưa phù hợp thực tiễn nhưng chậm sửa đổi, điển hình là Nghị định 61/2010/NĐ-CP. Ngân sách thành phố đầu tư còn hạn chế trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, việc đầu tư cho sản xuất nông nghiệp còn ở mức thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực xã hội, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp rất hạn chế.
Xây dựng vùng sản xuất tập trung đã bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập cả về cơ chế, chính sách, phương thức triển khai. Sự phối hợp giữa Sở NN&PTNT, sở, ngành liên quan với các huyện chưa chặt chẽ, việc triển khai còn lúng túng, bị động, thiếu mô hình phù hợp với thực tiễn sản xuất. Để khắc phục hạn chế trên, cần có cơ chế chính sách tổng thể, đồng bộ, tăng nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp. Nhà nước, thành phố cần hỗ trợ những khâu khó, có tính chất quyết định, quan tâm đầu tư quy hoạch, hạ tầng, ưu tiên hỗ trợ các địa phương trực tiếp sản xuất vùng hàng hóa tập trung, đặc sản, xúc tiến thương mại, chế biến, tiêu thụ nông sản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.