(HNMO) - Những căng thẳng gần đây giữa Mỹ với Iran, trong đó gần nhất là việc Iran phóng tên lửa vào hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq vào sáng 8-1-2020 (giờ Việt Nam), khiến thị trường thế giới càng thêm nhiều yếu tố khó lường.
Mặc dù cộng đồng quốc tế đang kêu gọi các bên liên quan kiềm chế tối đa nhằm tránh để tình hình leo thang hơn nữa nhưng nguy cơ bùng nổ một cuộc xung đột tại khu vực đang ở mức rất cao. Thực tế này làm cho các thị trường tài chính và hàng hóa trên thế giới chao đảo.
Ngay sau vụ không kích của Mỹ vào sân bay quốc tế Baghdad, Iraq và sát hại Thiếu tướng Qasem Soleimani, Tư lệnh đơn vị đặc nhiệm Quds thuộc Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), giá dầu đã liên tục tăng vọt. Dầu thô Brent đã tăng tới 4,2%, lên 69,06 USD/thùng trên sàn giao dịch London ngày 3-1. Đây là mức tăng nhanh nhất từ tháng 9-2019 đến nay. Dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ khi đó cũng tăng 4,4%, lên 63,84 USD/thùng.
Đến sáng 8-1, giá dầu Brent tại London tiếp tục lập kỷ lục mới khi tăng lên mức 69,34USD/thùng trong khi giá dầu WTI cũng tăng 0,92 USD, lên 63,62 USD/thùng. Giới quan sát cho rằng, giá dầu sẽ còn tăng mạnh nếu các nguồn cung khác như Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Arab (UAE) gặp “sự cố” hoặc Iran có các biện pháp mạnh tay như đóng cửa eo biển Hormuz, nơi gần 25% lượng dầu mỏ và khoảng 1/3 lượng khí tự nhiên hóa lỏng cung cấp cho thế giới được vận chuyển qua đây.
Cùng sự phi mã của giá dầu, giá vàng thế giới cũng đã tăng mạnh bởi vàng được xem như một kênh trú ẩn an toàn khi môi trường chính trị toàn cầu bộc lộ những rủi ro đối với nền kinh tế. Giá vàng sáng 8-1 đã tăng 1,16%, lên mức 1.589,92 USD/oz, cao nhất kể từ tháng 4-2013. Đây là mức giá mà những dự báo lạc quan nhất cũng nhận định chỉ có thể đạt được vào cuối năm 2020.
Trái ngược với sự tăng giá của dầu thô và vàng, chứng khoán thế giới đã trải qua những phiên giao dịch đỏ lửa do tín hiệu xấu phát đi từ Trung Đông. Theo CNBC, chỉ số Dow Jones của Mỹ giảm 410 điểm khi kết thúc phiên giao dịch ngày 7-1 (giờ địa phương). Trong khi đó, chỉ số S&P 500 và Nasdaq 100 giảm ít nhất 1,5%. Các thị trường ở châu Á cũng chứng kiến sự biến động mạnh khi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm hơn 2%, Kospi của Hàn Quốc giảm 1,5% và chỉ số S&P/ASX 200 của Australia cũng giảm gần 1%.
Sự ổn định của các thị trường toàn cầu phụ thuộc rất lớn vào tình hình chính trị quốc tế. Vì vậy, sau khi Iran tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq vào sáng ngày 8-1-2020, các chuyên gia cho rằng thị trường tài chính, hàng hóa thế giới trong những ngày tới sẽ còn diễn biến hết sức khó lường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.