Kinh tế

Cơ khí Việt Nam vẫn " gặp khó" trên thị trường toàn cầu

Lam Giang 31/08/2023 14:30

Tuy có giá nhân công rẻ nhưng ngành cơ khí Việt Nam chưa tổ chức sản xuất tốt, thiếu chuyên môn hóa sản phẩm nên giá thành vẫn cao và khó tham gia thị trường toàn cầu.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam chia sẻ như vậy tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề “Xúc tiến đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm cơ khí”, do Bộ Công Thương tổ chức sáng 31-8.

Giá thành cao, thiếu kỹ năng tiếp cận khách hàng

1(3).jpg
Quang cảnh hội nghị.

Ông Nguyễn Chỉ Sáng cũng chỉ rõ, kim ngạch xuất nhập khẩu ngành cơ khí khá lớn, song thị phần doanh nghiệp trong nước còn khiêm tốn. Nguyên nhân là bởi sự canh tranh của doanh nghiệp cơ khí Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá nhân công rẻ. Khi so sánh với thị trường Trung Quốc và Ấn Độ, ông Sáng cho hay, đây không chỉ là hai thị trường có giá nhân công rẻ mà còn tổ chức sản xuất rất tốt. Cụ thể 2 nước này có sự phân công chuyên môn hóa từng lĩnh vực, mảng sản phẩm từ máy móc, con người đến đầu tư nghiên cứu, nên giá thành rẻ hơn rất nhiều. Ông dẫn ví dụ một khách hàng Mỹ cần đặt 10.000 thiết bị hỗ trợ tháo lắp ô tô, song doanh nghiệp Việt Nam chào hàng với giá khoảng 300 USD/ sản phẩm trong khi khách hàng cho biết giá từ Ấn Độ là 170 USD/sản phẩm.

Qua sự việc, ông Sáng cho biết, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực giảm giá thành, có đơn hàng tương tự thì mới có thể tham gia thị trường toàn cầu. Để sản xuất sản phẩm cơ khí, theo ông Sáng, doanh nghiệp Việt Nam vẫn phải mua vật tư thiết bị của nước ngoài, nhất là Trung Quốc, nên khó cạnh tranh ngoài cách phải giảm giá thành nhân công.

Bên cạnh đó theo ông Sáng, khách hàng nước ngoài đánh giá doanh nghiệp cơ khí Việt Nam còn yếu về kỹ năng tìm kiếm khách hàng qua các kỳ hội chợ, triển lãm; quảng cáo trên website, mạng xã hội, sàn thương mại điện tử còn yếu kém. Đặc điểm chung của doanh nghiệp là không có mặt hàng mang tính truyền thống gắn với thương hiệu, đồng thời không có hệ thống giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài, gây khó khăn khi kết nối với đối tác nước ngoài.

“Các doanh nghiệp Việt Nam chưa nắm vững về điều khoản quy định thương mại của một số thị trường, hiểu biết về các thị trường mới như châu Phi còn ít, nên không thực sự tự tin khi xuất khẩu. Thực tế hàng cơ khí xuất khẩu Việt Nam, chỗ thì sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu, chỗ thì lo ngại bị lừa”, ông Sáng nói.

Tăng năng lực sản xuất để tham gia sâu vào chuỗi cung ứng

31.8-nganh-co-khi.jpg
Doanh nghiệp ngành cơ khí cần tăng năng lực sản xuất để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu

Cơ khí là một trong những ngành công nghiệp mang tính “xương sống”, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.dù dư địa của ngành là rất lớn, song việc đa dạng và mở rộng thị trường đối với các doanh nghiệp trong ngành cơ khí vẫn còn hạn chế.

Thông tin tại hội nghị, ông Phùng Văn Thành, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Philippines cho hay, dù kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam và Philippines ngày càng gia tăng, nhưng mảng sản phẩm cơ khí còn bỏ trống. Nước này chủ yếu phát triển lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp nên mảng sản phẩm cơ khí còn ít phát triển, là cơ hội tiềm năng cho doanh nghiệp cơ khí Việt Nam. Tuy nhiên ông Phùng Văn Thành khuyến nghị, doanh nghiệp ngoài hỗ trợ của cơ quan thương vụ, cần chủ động tìm hiểu nhu cầu thị trường, xây dựng chiến lược thâm nhập thị trường cụ thể.

Doanh nghiệp cần khắc phục hạn chế về khả năng ngoại ngữ, do ngành cơ khí có nhiều thuật ngữ chuyên ngành, nên doanh nghiệp cần có nhân viên giỏi ngoại ngữ để cùng thương vụ kết nối khách hàng. Ngoài ra cần nâng tầm nghệ thuật marketing quảng bá giới thiệu để níu giữ khách hàng. “Doanh nghiệp cần kiên trì theo đuổi chiến lược phát triển thị trường. Thương vụ hỗ trợ giới thiệu đối tác song không phải ngày một ngày hai là có thể thâm nhập thị trường thành công mà cần phải đi đường dài”, ông Thành nhấn mạnh.

Với thị trường Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản thông tin, nước này hiện đang thực hiện chính sách mới nhằm tránh phụ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc và mở rộng sang khối các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Tuy vậy, ông Tạ Đức Minh cũng chỉ ra một số thách thức, như ngành cơ khí Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu do đó thời gian tới cần đầu tư thêm chi phí cho mảng nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tăng năng lực sản xuất . Điều này giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể gia công sản phẩm có giá trị cao và bình đẳng hơn với doanh nghiệp Nhật Bản, qua đó tăng thêm cơ hội tham gia sâu hơn chuỗi cung ứng toàn cầu.

.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cơ khí Việt Nam vẫn " gặp khó" trên thị trường toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.