Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường lao động cuối năm: Tăng cường kết nối cung - cầu

Mai Hoa| 07/12/2022 06:13

(HNM) - Tình trạng người lao động bị mất việc vào dịp cuối năm đã và đang xảy ra tại một số doanh nghiệp, nhưng theo Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Vũ Trọng Bình, nhu cầu tuyển dụng lao động của nhiều doanh nghiệp vẫn cao, tạo cơ hội cho người lao động mất việc dễ dàng tìm công việc mới. Điều quan trọng là, các cơ quan chức năng phải có giải pháp kịp thời để tăng cường kết nối cung - cầu lao động.

Tư vấn việc làm cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm và hỗ trợ thanh niên (huyện Đông Anh). Ảnh: Quang Thái

Nơi ngừng việc, nơi "khát" người làm

Tình hình lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới duy trì ở mức cao, xu hướng tăng lãi suất, thu hẹp chính sách tiền tệ, tài khóa ở một số quốc gia, khiến các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trong nước gặp nhiều khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào và bị giảm đơn hàng. Điều này khiến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, đời sống.

Theo thống kê của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), tại thành phố Hồ Chí Minh đã có 26 doanh nghiệp ra thông báo với gần 3.000 người nghỉ việc trên tổng số 15.000 lao động, chiếm gần 20% số lao động. Một số doanh nghiệp, như Công ty TNHH PouYuen Việt Nam là doanh nghiệp có khoảng 50.000 lao động, phải cho 20.000 lao động thuộc khối sự nghiệp nghỉ việc luân phiên trong 3 tháng (từ ngày 1-12-2022 đến ngày 28-2-2023). Tại An Giang, số lao động bị giảm trong 1 tháng qua và số lao động dự kiến giảm trong 3 tháng tới ước tính hơn 4.000 lao động, đa phần là lao động phổ thông và chủ yếu thuộc ngành dệt may - da giày.

Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Vũ Trọng Bình, tại các địa phương này, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp vẫn cao. Chẳng hạn, ở An Giang, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong 3 tháng tới là 5.426 lao động, chủ yếu là ở ngành dệt may - da giày (71,3%) và một số ngành như chế biến thủy sản (hơn 20%). Ở thành phố Hồ Chí Minh, dù lao động nghỉ việc, hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng 27% so với cùng kỳ, song nhu cầu tuyển dụng lao động cuối năm vẫn cao khi các doanh nghiệp cần tới 43.000 người. Đây cũng là cơ hội cho người mất việc có thể tìm công việc mới.

Tại Hà Nội, công tác giải quyết việc làm thực sự là điểm sáng với nhiều con số ấn tượng. Trong tháng 11, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô đã giải quyết việc làm cho 12.441 lao động. Kết quả 11 tháng, thành phố giải quyết việc làm cho 195.468/160.000 lao động, đạt 122,1% kế hoạch năm, tăng 32.850 lao động được tạo việc làm, tương đương tăng hơn 22% so với cùng kỳ năm 2021.

Đào tạo nghề may cho người lao động tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (quận Cầu Giấy). Ảnh: Đỗ Tâm

Thực hiện nhiều giải pháp

Để ngăn ngừa thất nghiệp, phục hồi thị trường lao động và bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương triển khai đầy đủ, kịp thời các dự án, hoạt động của 3 chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022). Tiếp tục triển khai các phương án tổ chức kết nối cung - cầu lao động, tăng tần suất tổ chức phiên giao dịch việc làm, ưu tiên các phiên trực tuyến, hỗ trợ người lao động khi tham gia giao dịch việc làm. Tổ chức thực hiện chính sách về quan hệ lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ người lao động bù đắp được chi phí tiền lương, ổn định cuộc sống do bị mất việc làm; kịp thời hỗ trợ tư vấn, bồi dưỡng kỹ năng nghề, giới thiệu người lao động tìm kiếm việc làm mới và đẩy mạnh cho vay giải quyết việc làm cho người lao động.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện giải ngân hết nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm trong dự kiến kế hoạch năm 2023 là 3.000 tỷ đồng để thực hiện ngay trong năm 2022, đưa tổng kế hoạch giải ngân vốn của chương trình này lên 10.000 tỷ đồng (hoàn thành 100% kế hoạch được giao theo Nghị quyết số 11/NQ-CP)…

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái, bài học kinh nghiệm của Hà Nội trong việc làm tốt công tác kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm chính là sự vào cuộc quyết liệt của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố trong chỉ đạo điều hành, ban hành nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, từng bước phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó là sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội với các sở, ban, ngành của thành phố và các đơn vị liên quan trong công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động, xác định xu hướng phát triển và tác động kinh tế trong thời gian tới, xu hướng dịch chuyển ngành nghề, nhằm tìm ra những chính sách mới phù hợp. Đồng thời, hỗ trợ người lao động học nghề, mở rộng cơ hội nghề nghiệp; cung cấp thông tin thị trường lao động tại các phiên giao dịch việc làm chuyên đề, phiên giao dịch việc làm lưu động tại quận, huyện, nhằm đưa thông tin về cầu lao động đến trực tiếp với đối tượng cụ thể và giúp các đơn vị, doanh nghiệp tuyển dụng được lao động.

Đáng chú ý, ngày 11-12 tới đây, Hội nghị gắn kết giáo dục nghề nghiệp Thủ đô với thị trường lao động năm 2022 sẽ được Hà Nội tổ chức tại Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm, với quy mô rất lớn, lên đến 10.000 người. Đây hứa hẹn là một “cú hích” tăng cường kết nối cung - cầu lao động hiệu quả trong tháng cuối của năm 2022.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thị trường lao động cuối năm: Tăng cường kết nối cung - cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.