(HNM) - Giá dầu thế giới dường như đang đi vào chu kỳ
Đà tăng của thị trường "vàng đen" diễn ra ngay sau khi Tổng thống Vladimir Putin cho biết, Nga sẵn sàng cùng với Tổ chức Các nước xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) hạn chế sản lượng khai thác. Cụ thể, tại thị trường New York, giá dầu ngọt nhẹ Mỹ WT tăng lên 51,35 USD/thùng, đạt đỉnh kể từ tháng 7 năm ngoái. Trong khi đó, tại London (Anh) giá dầu Brent tăng 1,21 USD (2,3%) lên 53,14 USD/thùng. Thậm chí, có lúc dầu Brent được giao dịch ở mức giá 53,73 USD/thùng, mức cao nhất kể từ ngày 9-11-2015. Mức tăng này lên tới hơn 10% kể từ ngày 28-9 vừa qua - thời điểm OPEC đồng ý sẽ cắt giảm sản lượng lần đầu tiên trong vòng 8 năm qua.
Công nghệ chiết xuất dầu từ đá phiến đang dần trở thành yếu tố gián tiếp điều khiển giá dầu toàn cầu. |
Sự khởi sắc của giá dầu thế giới là hệ quả của việc trong khuôn khổ Hội nghị Năng lượng thế giới lần thứ 23 đang diễn ra ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Tổng thống V.Putin cho biết Nga sẵn sàng tham gia hạn chế sản lượng dầu thô khi tin rằng, đây là cách duy nhất để duy trì sự ổn định của lĩnh vực năng lượng. Quyết định trên khiến nhiều người lạc quan rằng Mátxcơva sẽ bắt tay với OPEC trong nỗ lực thắt chặt nguồn cung nhằm giảm tình trạng dư thừa trầm trọng những năm gần đây. Tổng thống V.Putin cũng bày tỏ hy vọng điều này có thể góp phần mang lại một thỏa thuận cụ thể trong cuộc họp tháng 11 tới của OPEC, điều được kỳ vọng là tín hiệu tích cực đối với thị trường và các nhà đầu tư.
Giá dầu khởi sắc là một tín hiệu tốt cho nền kinh tế Nga vốn đang trong giai đoạn chật vật để ứng phó nhiều khó khăn do giá dầu thô thấp cùng những biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt. Nga từng tuyên bố rằng, dù là một quốc gia nằm ngoài OPEC nhưng nước này sẵn sàng thực hiện các biện pháp hạn chế sản lượng khai thác nhằm cân bằng thị trường sau một thời gian dài giá "vàng đen" xuống dốc. Sự bấp bênh của giá dầu có tác động rất lớn đến nền kinh tế Nga, vì có tới khoảng 50% nguồn thu ngân sách nhà nước của nước này được đóng góp bởi xuất khẩu dầu. Giới chuyên môn nhận định rằng, nếu giá dầu thô tăng trở lại mức 60 USD/thùng như dự báo, nền kinh tế Nga có thể vững bước vượt qua được giai đoạn khó khăn hiện nay. Trong khi đó, điều kiện trên được cho là sẽ giúp hoạt động sản xuất dầu mỏ tại Trung Quốc, thị trường tiêu thụ năng lượng lớn thứ hai toàn cầu sau Mỹ, bình ổn trở lại. Năm 2015, Trung Quốc là nhà sản xuất dầu lớn thứ năm trên thế giới. Tuy nhiên, trong 8 tháng qua, quốc gia này đã giảm sản lượng dầu thô 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu giảm mạnh kể từ cuối năm 2015 cũng buộc quốc gia đông dân nhất thế giới phải đóng cửa một số giếng dầu có chi phí sản xuất quá đắt đỏ. Hệ quả là trong tháng 8, sản lượng chỉ còn 3,89 triệu thùng/ngày (giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2015), mức thấp nhất của nước này kể từ tháng 12-2009 và thấp nhất Châu Á hiện nay.
Trước những động thái mới nhất của Nga, Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia Khalid Al-Falih nhận định, cung và cầu trên thị trường dầu mỏ đang dần trở về trạng thái cân bằng và điều này sẽ khiến mục tiêu đưa giá dầu thô trở lại mức 60 USD/thùng vào cuối năm nay trở nên khả thi hơn. Thế nhưng không ít ý kiến cho rằng việc Iraq đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu dầu ở khu vực phía Bắc và Libya mở cửa trở lại các cảng xuất khẩu dầu chính của nước này sẽ tác động đến thị trường "vàng đen". Trong khi đó, hoạt động khai thác dầu đá phiến - mà Mỹ là quốc gia đi đầu - cũng đang ảnh hưởng lớn đến thị trường.
Vì vậy, dù đã dần đi theo hướng tích cực nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tác động đến sự ổn định của giá dầu. Do đó, Bộ trưởng Al-Falih đã phải lên tiếng khẳng định rằng, Saudi Arabia - trong vai trò "tiên phong" của OPEC - sẽ chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó với các kịch bản có thể xảy ra đối với giá dầu. Đây sẽ là quyết định cần thiết trong bối cảnh Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ ngày 11-10 đưa ra dự báo, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ khó có thể đạt trạng thái cân bằng hoàn toàn, ít nhất là tới hết 2017 bất chấp các nỗ lực cắt giảm sản lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.