Ngày 5-7, truyền thông bản địa trích dẫn số liệu của Bộ Tài chính Nga cho biết, doanh thu từ việc bán dầu và khí đốt 6 tháng đầu năm của Xứ Bạch dương đóng góp cho ngân sách liên bang đã tăng gần 41% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể, doanh thu từ nguồn bán dầu mỏ và khí đốt trong 6 tháng qua đạt gần 5,7 nghìn tỷ rúp (tương đương khoảng 65,1 tỷ USD).
Nga dự kiến sẽ thu về hơn 10,9 nghìn tỷ rúp từ ngành dầu khí trong năm nay.
Sự gia tăng đáng nể được cho là bắt nguồn từ giá dầu leo thang, đồng rúp yếu hơn, quan trọng nhất là việc cả các bên mua cũng như nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt của Nga đều đã thích nghi với các lệnh trừng phạt từ phương Tây.
Bên cạnh doanh thu từ hoạt động bán hàng, nguồn thu từ thuế khai thác khoáng sản đã tăng lên hơn 1.000 tỷ rúp trong 6 tháng đầu năm, là mức tăng mạnh so với con số 631,6 tỷ rúp cùng kỳ năm 2023.
Dầu thô Urals, sản phẩm xuất khẩu chính của Nga, đạt giá trung bình 69,1 USD/thùng trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 6, tăng từ mức 52,5 USD cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức trần giá do phương Tây áp đặt là 60 USD.
Tuy nhiên, giai đoạn đầu năm chứng kiến một số trở ngại kinh doanh, như tỷ giá đồng rúp đã giảm xuống 90,8 rúp/USD so với 76,9 rúp/USD trong nửa đầu năm ngoái.
Như vậy, bất chấp phương Tây đã thực thi nhiều biện pháp trừng phạt đối với Nga nhằm giảm doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt của nước này vì xung đột ở Ukraine, nguồn thu từ dầu mỏ và khí đốt vẫn tiếp tục chiếm từ một phần ba đến một nửa tổng ngân sách liên bang của Nga.
Thực tế, sau lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh, đóng cửa phần lớn thị trường phương Tây đối với hàng xuất khẩu của Nga, Trung Quốc và Ấn Độ lại nổi lên như những khách hàng lớn.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự kiến sẽ tới Nga vào ngày 8 và 9-7 tới để hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.