(HNM) - Phát biểu tại hội trường Quốc hội về Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân khẳng định, văn bản này bảo đảm cơ sở pháp lý và cơ sở chính trị.
Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, các ý kiến của đại biểu Quốc hội đề cập nhiều nhất về cơ sở pháp lý, cơ sở chính trị của Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Nếu nói về cơ sở chính trị, Nghị quyết số 18-NQ/TƯ ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) “Một số vấn đề về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả” và Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Kết luận số 46-KL/TƯ ngày 19-4-2019 về “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” đã nêu rất rõ về việc thí điểm không tổ chức HĐND phường ở cấp quận, thị xã của thành phố Hà Nội.
Về cơ sở pháp lý, Điều 111 của Hiến pháp năm 2013 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cũng đã quy định rõ. Đó là, Quốc hội được ban hành những nghị quyết để thực hiện thí điểm một số chính sách mới thuộc thẩm quyền của Quốc hội nhưng chưa có trong luật điều chỉnh hoặc khác với các luật hiện hành… Cơ sở pháp lý và cơ sở chính trị đã được cân nhắc rất kỹ và qua nhiều hội thảo thì các nhà khoa học, nhà quản lý kết luận vấn đề thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội không vi hiến… “Trong Tờ trình của Chính phủ không câu nào nói hoạt động của HĐND cấp phường hiện nay không hiệu quả nên bỏ, mà đây là yêu cầu đổi mới trong việc tổ chức lại mô hình của chính quyền đô thị”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho rằng, về tên gọi UBND hoặc Ủy ban hành chính, lúc đầu trong đề án chọn tên gọi là Ủy ban hành chính, nhưng khi thông qua Bộ Chính trị thì Bộ Chính trị kết luận giữ lại tên UBND, vì đây là quá trình làm thí điểm. Nếu là UBND phường thì không phải thay đổi tất cả những hồ sơ hành chính khác của tổ chức, công dân. Sau thời gian thí điểm sẽ nghiên cứu tên gọi cho phù hợp.
Về chế độ làm việc, trong Kết luận số 46-KL/TƯ của Bộ Chính trị cũng cơ bản đồng ý theo đề án, tức là làm việc theo nguyên tắc tập thể của UBND, trong đó cơ cấu của UBND gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các thành viên Ủy ban. “Theo ý kiến thẩm định của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của một số đại biểu, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo lại Bộ Chính trị xem xét về chế độ làm việc của UBND phường là chế độ thủ trưởng, trong kết luận trước đây cơ bản đồng ý theo chế độ tập thể”, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nêu rõ thêm.
Nếu Dự thảo Nghị quyết về thí điểm không tổ chức HĐND tại các phường thuộc quận, thị xã của thành phố Hà Nội được Quốc hội thông qua, Chính phủ còn cần ban hành rất nhiều các văn bản thì mới tổ chức thí điểm được mô hình này. Do đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đề nghị lấy ngày 1-6-2020 là thời điểm để nghị quyết có hiệu lực, từ đó Chính phủ và các bộ, ngành xây dựng các văn bản phù hợp và để đến năm 2021 tổ chức được chính quyền cấp phường của thành phố Hà Nội theo mô hình thí điểm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.