Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm một góc nhìn về Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Trần Văn Mỹ| 12/06/2017 06:40

(HNM) - Gần đây, TS Nguyễn Thị Chân Quỳnh, một người Hà Nội định cư ở Pháp, đã tiếp tục thể hiện tình yêu, sự quan tâm đặc biệt tới khu di tích này qua công trình


Cuốn "Văn Miếu Thăng Long - Hà Nội" do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành, dày 200 trang, được chia làm 3 phần chính. Phần một nói về lịch sử, kiến trúc Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phần hai đề cập đến lịch sử và tổ chức Quốc Tử Giám. Phần ba góp phần lý giải vấn đề như nước ta bắt đầu có khoa cử từ năm nào, tổ chức khoa cử ra sao, khoa cử phát triển cực thịnh vào triều đại nào và kết thúc chế độ khoa cử bằng chữ Hán vào năm bao nhiêu…

Với phương pháp nghiên cứu khoa học, tỉ mỉ, cẩn trọng, nhiều vấn đề liên quan đến Văn Miếu đã được tác giả phân tích, giải mã. Cuốn sách dẫn nguồn từ nhà nghiên cứu Trần Hàm Tấn, cho thấy vào thời Lý, Văn Miếu và Quốc Tử Giám cùng ở một địa điểm nên người ta có thói quen gọi chung một tên là Quốc Tử Giám. Cũng có lúc Văn Miếu được tách riêng ra, chuyển đến một địa điểm khác ở phía Nam Thăng Long. Sư cụ chùa Một Cột tên là Phạm Đặng xác nhận, đã thấy Văn Miếu lúc bấy giờ được gọi là đền Văn Chương hay đền Đức Thánh Khổng, ở gần chùa Một Cột.

Tác giả cũng giải thích về những con giống được đắp cầu kỳ, sống động ở Văn Miếu. Con ly ngồi trên hai cột cổng chính làm nhiệm vụ kiểm soát tâm linh người hành hương khi vào đất thánh; con rồng, con hổ tượng trưng cho những người xuất chúng (người thi đỗ cử nhân có tên trên Hổ bảng, đỗ tiến sĩ có tên trên Long bảng), còn cá chép đắp nổi trên bờ nóc nhà trung đường thể hiện cuộc đua trên đường khoa cử - cá chép vượt vũ môn hóa thành rồng.

Bên trong bái đường ở Văn Miếu có treo bức hoành với bốn chữ lớn “Cổ kim nhật nguyệt” (Công đức của ngài như ánh sáng mặt trời, mặt trăng chiếu rọi từ xưa cho đến nay) - thủ bút của Tế tửu Quốc Tử Giám Xuân quận công Nguyễn Nghiễm. Tại bái đường, trước ban thờ Khổng Tử có treo bức hoành “Vạn thế sư biểu” (Người thầy của muôn đời). Trước nay, về nguồn gốc có những sự hiểu khác nhau, qua lạc khoản (dòng chữ nhỏ ghi tên họ, ngày tháng trên các bức họa, đối, trướng), tác giả khẳng định bức hoành được cung tiến năm 1888.

Trải theo dòng chảy lịch sử, Văn Miếu cũng có nhiều biến động. Năm 1803, Quốc Tử Giám triều Nguyễn được dựng ở Huế, Quốc Tử Giám ở Thăng Long đổi là Học đường phủ thành. Để thu hút sĩ phu Bắc Hà, vua Gia Long cho sửa Văn Miếu thành 5 khu, xây Khuê Văn Các, hoàn thành vào năm 1805. Ở mục này tác giả phản biện quan điểm của nhiều người cho là ngày xưa đây là nơi để bình những bài văn hay của sĩ nhân trong các kỳ thi hội. Tác giả cho rằng trong thực tế, khi Khuê Văn Các được dựng xong thì ở phía Bắc không còn diễn ra kỳ thi hội nào nữa.

Nói đến Văn Miếu Thăng Long, ai cũng nghĩ đến những tấm bia tiến sĩ. Kể từ thời Lê sơ, qua nhà Mạc đến Lê trung hưng, có cả thảy 121 đại khoa. Theo lệ, mỗi khoa dựng một bia. Trải qua các trận chiến, nhiều bia đã bị mất, nay chỉ còn 82 tấm - ban đầu được dựng rải rác. Năm 1863, Bố chính Hà Nội là Lê Hữu Thanh và Án sát Hà Nội là Đặng Tá đã thu thập, dựng nhà bia hai bên giếng Thiên Quang.

Sách "Văn Miếu Thăng Long - Hà Nội" tập hợp nhiều tư liệu phong phú, được tác giả tiếp cận, giải mã khá tường tận để bạn đọc trong và ngoài nước hiểu “Văn Miếu Hà Nội không chỉ là một di tích lịch sử mà còn là một tác phẩm kiến trúc nghệ thuật công phu”. Đó là nhận định có cơ sở bởi năm 2010, UNESCO đã công nhận 82 bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám là “Di sản tư liệu thế giới”, thuộc chương trình “Ký ức thế giới”. Cũng năm này, sau một cuộc thi được tổ chức công phu, UBND TP Hà Nội đã chọn Khuê Văn Các là biểu trưng của Thủ đô Hà Nội.

Với những gì đã nêu, có thể nói sách "Văn Miếu Thăng Long - Hà Nội" của TS Nguyễn Thị Chân Quỳnh đóng góp một điểm nhìn mới về một di tích hạng đặc biệt của Hà Nội và cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm một góc nhìn về Văn Miếu - Quốc Tử Giám

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.