(HNM) - Nhà hát Kịch Việt Nam vừa ra mắt vở diễn về đề tài lịch sử “Thế sự”. Đáng nói là lần này nhà hát mạnh dạn chọn nhân vật lịch sử còn gây tranh luận về công và tội - Nguyễn Hữu Chỉnh. NSND Anh Tú, quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam cho biết, ông muốn giới thiệu thêm góc nhìn về một kẻ sĩ Bắc Hà.
Một lần nữa, tác giả nổi danh với những vở kịch lịch sử Lê Chí Trung lại chọn được lát cắt rất “đời” để thể hiện. Ông luôn quan niệm rằng, kịch không phải là sự sao chép lịch sử mà là sự trải nghiệm, khơi gợi để khán giả tìm về quá khứ. Vì thế, nhân vật ông chọn có thể không phải là những anh hùng hào kiệt lừng lẫy chiến công, nhưng phải là người có cá tính, khí chất, đóng vai trò then chốt trong một giai đoạn lịch sử. Nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh ở “Thế sự” được chọn với ý nghĩ đó.
Đạo diễn, NSND Anh Tú suy nghĩ nhiều về tình trạng giới trẻ ngày nay ít quan tâm đến lịch sử nước nhà. Ông cho rằng, sự thể có một phần trách nhiệm của người làm nghệ thuật, do chưa tạo được nhiều tác phẩm hay về đề tài lịch sử. Vì thế, khi gặp được kịch bản hợp ý, không phải thay đổi nhiều về tình tiết, kết cấu, NSND Anh Tú quyết định đầu tư, dàn dựng cho Nhà hát Kịch Việt Nam.
Trung tâm vở diễn là Nguyễn Hữu Chỉnh, vị tướng nổi tiếng thời Lê Trung Hưng, có ảnh hưởng tới lịch sử Việt Nam thế kỷ XVIII. Trong cuộc tranh giành ngôi vị ở phủ chúa giữa phe Trịnh Tông và Trịnh Cán, Nguyễn Hữu Chỉnh đã bỏ vào Nam theo nghĩa quân Tây Sơn, rồi sau đó giúp Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc dẹp chúa Trịnh. Ông cũng là người tác thành mối duyên giữa công chúa Ngọc Hân và Nguyễn Huệ. Nhưng cuối cùng, ông lại bị chính tướng Võ Văn Nhậm của nhà Tây Sơn cho “tứ mã phanh thây” ngay tại cổng thành Thăng Long.
Ở một khía cạnh khác, Nguyễn Hữu Chỉnh được biết đến là người hào hoa, nổi tiếng Kinh kỳ về tài thơ phú. Ông tự soạn nhạc, nuôi con hát trong nhà, ngày đêm tổ chức tiệc tùng, ca múa. Vì thế, ông bị liệt vào hàng đệ nhất phong lưu, có cuộc sống vương giả hơn vua, chúa… Tác giả và đạo diễn khai thác đầy đặn tất cả những chi tiết này trong vở kịch gói gọn trong hơn một giờ rưỡi. Câu chuyện chính trị nặng nề được hóa giải bằng tình tiết về cuộc sống gia đình, cách ứng xử giữa cha và con, giữa chồng với vợ, giữa chị và em, khiến vở diễn dễ đi vào lòng người. Tuy không hẳn là minh oan cho Nguyễn Hữu Chỉnh nhưng vở kịch đã lý giải được phần nào cuộc đời của ông. Rằng, trong bối cảnh nhiễu nhương, “vua không ra vua, chúa không ra chúa”, người dân thì đói kém khóc than, quan quân thì tranh giành quyền lực, Nguyễn Hữu Chỉnh với chất kẻ sĩ Bắc Hà đã quyết liệt hành động. Nhưng cũng chính chất kẻ sĩ đầy cao ngạo ấy đã đẩy ông vào bi kịch…
Nếu như trong “Hamlet” NSND Anh Tú đã đưa điệu múa Xuân Phả của xứ Thanh tạo nét chấm phá Á Đông trong vở kịch phương Tây thì trong “Thế sự”, ông đưa điệu múa “Con đĩ đánh bồng” của đất Thăng Long - Hà Nội và múa chén của Huế vào tác phẩm một cách nhuần nhị với nhiều dụng ý. Chúng vừa cho thấy sự đặc sắc của văn hóa từng vùng miền mà bối cảnh kịch nhắc tới, vừa góp phần thúc đẩy tiến trình của vở kịch, khi các diễn viên múa đồng thời là nhân vật phụ.
Các nghệ sĩ tham gia đều được yêu cầu tìm hiểu kỹ về nhân vật và thời kỳ lịch sử, đặc biệt là tham khảo “Hoàng Lê nhất thống chí” của Ngô gia văn phái, bởi 1/3 dung lượng cuốn sách viết về Nguyễn Hữu Chỉnh. Đạo diễn cũng chọn từng diễn viên hợp với từng vai và đòi hỏi khắt khe trong diễn xuất. Vì vậy, Minh Hiếu vai Nguyễn Hữu Chỉnh, Tạ Tuấn Minh vai Nguyễn Huệ, Mai Nguyên vai Đỗ Thế Long, Khuất Quỳnh Hoa vai công chúa Ngọc Hân… diễn chắc, toát được phong thái của nhân vật.
NSND Anh Tú cho biết, Nhà hát Kịch Việt Nam đã phối hợp với nhiều trường trung học phổ thông và trung học cơ sở trên địa bàn Hà Nội để đưa học sinh đến thưởng thức.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.