(HNMO) - Quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Pháp, Anh và Đức) của Tổng thống Donald Trump nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ Cộng hòa song lại khiến các đồng minh, Nga và Liên hợp quốc thất vọng.
| ||
Phản ứng trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người tiền nhiệm Barack Obama đã ra thông báo mô tả động thái của ông Trump là một sai lầm nghiêm trọng. "Vào thời điểm chúng ta đều mong chờ thành công từ nỗ lực ngoại giao với Triều Tiên, quyết định rời khỏi thỏa thuận hạt nhân với Tehran có nguy cơ làm thất bại mục tiêu tương tự mà chúng ta muốn đạt được cùng Bình Nhưỡng. Tuyên bố hôm nay là một sai lầm nghiêm trọng và hoàn toàn mất phương hướng", CNN dẫn lời ông Obama.
Trong khi đó các đồng minh thân cận nhất của Mỹ là Anh, Pháp và Đức cũng ra thông báo chung bày tỏ “sự nuối tiếc và quan ngại” về quyết định, nhấn mạnh đến sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận và khẳng định vẫn sẽ “tiếp tục duy trì cam kết” đối với Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).
“Với sự nuối tiếc và quan ngại, chúng tôi, những nhà lãnh đạo của Pháp, Đức và Anh đã lưu ý tới quyết định của Tổng thống Trump về việc rút khỏi JCPOA. Cùng nhau, chúng tôi nhấn mạnh rằng sẽ tiếp tục cam kết với thỏa thuận. Thỏa thuận này vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì an ninh chung của chúng ta. Chúng tôi nhắc lại rằng JCPOA được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhất trí thông qua trong Nghị quyết 2231. Nghị quyết này vẫn là khuôn khổ pháp lý quốc tế ràng buộc cho việc giải quyết tranh chấp về chương trình hạt nhân của Iran. Chúng tôi kêu gọi tất cả các bên phải cam kết thực hiện đầy đủ và hành động theo tinh thần trách nhiệm”, thông báo ghi.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 8-5 đã hối thúc các nước ký thỏa thuận hạt nhân Iran tuân thủ những cam kết của mình sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận này.
Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố: "Không có và không thể có cơ sở để phá vỡ JCPOA. Kế hoạch đã cho thấy sự hiệu quả hoàn toàn. Mỹ đang hủy hoại niềm tin quốc tế vào Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)". Nga cũng khẳng định sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời sẽ tích cực phát triển quan hệ song phương với Tehran.
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Nga Leonid Slutsky cho rằng, quyết định của Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran là sự vi phạm thô bạo nhất các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, là mối đe dọa đối với an ninh quốc tế.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết, ông đã chỉ thị "các cơ quan nguyên tử chuẩn bị sẵn sàng cho các biện pháp sắp tới để khởi động, nếu cần thiết, chương trình làm giàu hạt nhân mà không gặp phải giới hạn nào". Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif cho biết, ông sẽ làm việc với những thành viên còn lại của thỏa thuận hạt nhân là Pháp, Anh, Đức, Trung Quốc và Nga để xem xét liệu họ có bảo đảm “lợi ích đầy đủ của Iran” hay không và “kết quả sẽ quyết định việc chúng tôi đáp trả thế nào”, ông Mohammad Javad Zarif viết trên Twitter. Phản ứng của Iran làm dấy lên quan ngại về việc bùng phát một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực Trung Đông.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.