(HNM) - Hướng về 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử, mỗi người dân Việt Nam thể hiện niềm xúc động, tự hào theo một cách khác nhau.
Rất nhiều tác phẩm hội họa đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng đã đến với công chúng thông qua các cuộc trưng bày, triển lãm, nhưng hiếm có triển lãm nào mô tả chân thực, sinh động chiến dịch Điện Biên Phủ như triển lãm mỹ thuật chào mừng 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Triển lãm đã giới thiệu 98 tác phẩm hội họa, đồ họa, điêu khắc chọn lọc của 85 tác giả thuộc CLB Sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng vừa diễn ra tại 16 Ngô Quyền (Hà Nội).
Họa sĩ Nguyễn Hà Bắc giới thiệu bức tranh "Ấn tượng chiến thắng Điện Biên" |
Bằng những ngôn ngữ và bút pháp nghệ thuật khác nhau, các tác giả đã phác họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ở rất nhiều góc độ. Nếu như tác phẩm "Bác Hồ" của Nguyễn Văn Chung toát lên thần thái của vị lãnh tụ thiên tài, thì tác phẩm "Bác Hồ dừng chân bên suối" của Nguyễn Nghĩa Duyện lại mô tả khoảnh khắc Bác thư thái trong tiếng bom rơi, pháo nổ của chiến dịch Điện Biên. Lấy Bác Hồ làm hình tượng trung tâm, tác phẩm "Trên đường ra chiến dịch" của Trần Vũ Hoàng giúp công chúng thấy được đường ra chiến dịch đầy gian nan, vất vả nhưng quân và dân ta vẫn "quyết chiến, quyết thắng" qua hình ảnh Bác mặc áo nâu, xắn quần, đội mũ cối cùng người dân địa phương lội suối vào chiến dịch. Cùng với Bác Hồ, hình ảnh vị Đại tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp 60 năm trước cũng được tái hiện sinh động qua tác phẩm "Điện Biên Phủ" của Giang Khích; "Huyền thoại Điện Biên" của Bùi Vi Hoài, hay "Chân dung Đại tướng" của Lê Nham… Làm nên khúc tráng ca Điện Biên còn có quân và dân khắp mọi miền đất nước tham gia kéo pháo qua đèo, đưa vũ khí, lương thực lên xe thồ đẩy vào chiến dịch với ý chí quyết chiến, quyết thắng sục sôi. Tất cả những hình ảnh này đã được tái hiện bằng bút pháp nghệ thuật độc đáo, bằng sự rung cảm sâu xa.
Để có những tác phẩm chân thực về Chiến dịch Điện Biên Phủ, các tác giả đã không ngừng lao động, sáng tạo nghệ thuật. Bà Nguyễn Thị Trâm, vợ cố họa sĩ Phạm Ngọc Liệu, tác giả bức tranh "Từ Điện Biên đến Hà Nội" cho biết, sinh thời họa sĩ Phạm Ngọc Liệu vẽ về Điện Biên như một sự tri ân với những người đã đổ máu xương vì sự yên bình, hạnh phúc của nhân dân. Vì thế, trong tác phẩm "Từ Điện Biên đến Hà Nội", cố họa sĩ vẽ hình ảnh lính Pháp rời Hà Nội trên cầu Long Biên dưới góc nhìn của Bộ đội Cụ Hồ, đầy thân thiện, cảm thông. Tương tự, họa sĩ Đỗ Mạnh Cường chia sẻ: "Tôi từng là chiến sĩ, từng gặp Bác Hồ, từng nhiều lần vẽ chân dung Bác, nhưng mỗi lần vẽ về Bác trong tôi lại trào lên những cảm xúc khó có thể diễn tả bằng lời. Với tác phẩm "Bác Hồ chuẩn bị đến mặt trận Bắc Kạn" theo phong cách không tả thực nhưng lại phản ánh hiện thực, tôi đã lao động miệt mài suốt ba tháng liên tục. Có những chi tiết tôi xóa đi vẽ lại hàng chục lần mà chưa ưng ý. Còn họa sĩ Nguyễn Hà Bắc, tác giả bức tranh "Ấn tượng chiến thắng Điện Biên" kể: "Nói đến chiến dịch Điện Biên Phủ không thể không nhắc đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh Đại tướng chỉ tay về phía trước trong tác phẩm của tôi chính là thời khắc quyết định tổng tấn công, làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ vang dội năm châu, chấn động địa cầu.
Do đó, tôi dùng những gam màu mạnh, đối lập, nét vẽ khỏe khoắn để thể hiện"…
Từ nội dung tác phẩm đến tấm lòng của các họa sĩ CLB Sáng tác mỹ thuật đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng phần nào thể hiện chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (năm 1954) mãi mãi là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.