(HNMO)- Bia là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với thuế suất hiện là 50% theo Luật Thuế TTĐB số 26/2008/QH12.
Các DN ngành bia, rượu cho rằng cách xác định giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi bất hợp lý khiến khó cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu. Ảnh: VnExpress |
Trong khi các quy định mới trên chưa được thực thi thì theo chương trình dự kiến, tại Phiên họp thứ 42 tới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế, trong đó có nội dung về Thuế tiêu thụ đặc biệt. Dự thảo Luật mới lại tiếp tục sửa đổi, bổ sung nội dung về giá tính thuế TTĐB theo hướng quy định trường hợp cơ sở sản xuất bán hàng qua các qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ thì giá tính thuế TTĐB là giá do các công ty con bán ra thị trường (hiện nay, giá tính thuế TTĐB đối với hàng hóa sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra) và dự kiến cũng có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Theo ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia - rượu - nước giải khát Việt Nam, Luật sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nếu được ban hành sẽ khiến cho mức thuế các mặt hàng bia, rượu cao lên vì phải nộp thuế tại 2 khâu: khâu nhập khẩu và khâu bán hàng trong nước. Với cách tính thuế này sẽ làm tăng thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 15%, như vậy thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp là 60- 65% chứ không phải 55% theo luật số 70. Khi đó, mức thuế cao có thể dẫn đến tình trạng trốn thuế, nhập lậu, hàng giả... gây khó khăn trong khâu kiểm soát.
Quy định này sẽ gây ra những bất cập rất lớn bởi, thuế suất thuế TTĐB mới được điều chỉnh tăng lên, do vậy việc điều chỉnh chính sách liên quan đến giá tính thuế TTĐB tại thời điểm này cùng lúc sẽ gây quá nhiều áp lực, ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Việc sửa đổi như dự thảo mới sẽ tạo ra sự bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh vì phân biệt đối xử giá tính thuế trong trường hợp bán hàng qua công ty thương mại độc lập và bán hàng qua công ty thương mại là công ty con. Điều này đi ngược lại nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp đã được ghi nhận tại rất nhiều văn bản luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Thương mại, Bộ luật Dân sự…
Việc dự thảo quy định giá tính thuế TTĐB khi các cơ sở sản xuất bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ là giá do các công ty con bán ra thị trường sẽ không khuyến khích chuyên môn hóa, thậm chí dẫn tới hủy bỏ chu trình sản xuất, phân phối hiện đang tồn tại.
Hơn nữa, quy định này còn làm mất đi công cụ hợp pháp của Nhà nước trong việc bảo hộ sản xuất trong nước khi mà Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và các sản phẩm nhập ngoại ngày càng có nhiều lợi thế gia nhập thị trường Việt Nam.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Việt Nam, quy định giá tính thuế TTĐB trong trường hợp cơ sở sản xuất mặt hàng chịu thuế TTĐB bán hàng qua các công ty con hoặc bán hàng qua công ty con khác trong cùng công ty mẹ thì giá làm căn cứ tính thuế TTĐB là giá do các công ty con bán ra thị trường là chưa phù hợp. Bởi giá tính thuế TTĐB đối với hàng hoá sản xuất trong nước là giá do cơ sở sản xuất bán ra, không phải là do đơn vị kinh doanh thương mại bán ra.
Bà Cúc cho rằng, để chống tránh thuế qua giá bán nội bộ và phù hợp với thuế TTĐB, nên sửa đổi theo hướng lấy giá bán thị trường làm gốc có tính đến yếu tố lãi gộp, chi phí cho khâu lưu thông của các đơn vị kinh doanh thương mại để có mức quy định giá tính thuế phù hợp. Trường hợp giá bán giữa các đơn vị mẹ, con thấp hơn giá bán thị trường thì cơ quan thuế có quyền ấn định giá tính thuế TTĐB theo quy định của Luật quản lý thuế.
Trong bối cảnh trên, việc xem xét thông qua việc sửa đổi này cần có sự khảo sát trên cơ sở cân nhắc thật cẩn trọng những tác động có thể có của quy định mới tới nền kinh tế nói chung và ngành bia nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.