Tài chính

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cần xem xét kỹ những tác động

Hương Thủy 19/10/2024 - 15:17

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là việc cần thiết, song cần xem xét kỹ lưỡng những tác động đến các bên liên quan để tránh gây ra những hệ quả không mong muốn.

Đồng thời, cùng với chính sách thuế, cần có đồng bộ chính sách khác để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, chống buôn lậu, bảo đảm sinh kế cho nông dân trong chuỗi sản xuất.

thuoclalau.jpg
Một vụ vận chuyển thuốc lá lậu bị cơ quan chức năng phát hiện. Ảnh: CTV

Mức tăng cần lộ trình phù hợp

Đối với thuốc lá, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mức thuế tương đối 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo hai phương án. Phương án 1 sẽ tăng 2.000 đồng/bao ở năm đầu tiên (2026) và đạt mức tăng 10.000 đồng vào năm 2030. Trong khi phương án 2 áp dụng mức tăng 5.000 đồng/bao ngay từ năm 2026 và tăng tịnh tiến 1.000 đồng/bao trong 5 năm kế tiếp để đạt mức 10.000 đồng/bao năm 2030.

Tuy nhiên, cả hai phương án này được cho là quá cao và đột ngột với thị trường, sẽ tác động tiêu cực đến mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, thu ngân sách trong dài hạn, nguy cơ gia tăng thuốc lá lậu, cũng như vấn đề an sinh xã hội đối với người lao động trong ngành và người nông dân trong chuỗi cung ứng.

Tại Tọa đàm “Cân nhắc lộ trình khi sửa thuế tiêu thụ đặc biệt” thuộc chương trình Diễn đàn kinh tế của Truyền hình Quốc hội mới đây, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần có mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với thuốc lá một cách phù hợp, có lộ trình tăng vừa phải để tránh gây sốc dẫn đến những hậu quả tiêu cực với an sinh xã hội, doanh nghiệp và phòng, chống thuốc lá lậu.

Thuốc lá không phải là sản phẩm cấm và chỉ ở mức hạn chế. Vì vậy, cần có ứng xử mềm dẻo, cân nhắc các tác động của sự thay đổi chính sách thuế lên cả chuỗi sản xuất, đặc biệt là người nông dân và các bên liên quan tại vùng nguyên liệu.

Việc trồng lá thuốc lá là một trong những sinh kế căn bản, bền vững của người dân ở những vùng có ít lựa chọn các sản phẩm cây trồng. Khi đánh thuế TTĐB đối với thuốc lá, đương nhiên nhu cầu sản xuất sẽ giảm đi, dẫn đến nguyên liệu đầu vào phải giảm, từ đó ảnh hưởng trực tiếp ngay nhóm đối tượng này.

Do đó, khi tính đến các phương án đánh thuế, phải xem xét luôn các phương án chuyển dịch hoạt động sản xuất, làm sao để người dân vẫn có được sinh kế tốt và không ảnh hưởng tiêu cực đến bình ổn chung của đời sống kinh tế - xã hội. Khi đó, cải cách thuế mới đạt được mục tiêu.

Song song cùng biện pháp khác

Buôn lậu thuốc lá hiện vẫn là vấn đề phức tạp tại Việt Nam khi nước ta có đường biên giới dài giáp ranh với nhiều quốc gia láng giếng.

Các chủ đầu nậu người Việt Nam đã lợi dụng chính sách "tạm nhập tái xuất" của một số nước láng giềng để cấu kết xây dựng các kho hàng tập kết thuốc lá, chờ thời cơ vận chuyển trái phép về Việt Nam tiêu thụ. Vì thế, khi tăng thuế suất cao, dự báo tỷ lệ buôn lậu sẽ tăng.

Các chuyên gia cho rằng, khi đánh giá tác động của tăng thuế TTĐB, cần xem xét kĩ tình trạng buôn lậu và có phương án phòng, chống buôn lậu thuốc lá quyết liệt, hiệu quả. Ước tính mức thất thu thuế có thể là 15-17 nghìn tỷ đồng do buôn lậu. Nếu sản lượng thuốc lá hợp pháp bán ra giảm nhưng thuốc lá lậu tăng lại là tác động tiêu cực.

Các chuyên gia cũng đề nghị, bên cạnh chính sách thuế, cần có các chính sách khác nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Có thể nói, thuế TTĐB là công cụ để định hướng tiêu dùng, hạn chế tiêu dùng đối với sản phẩm thuốc lá. Tuy nhiên, nếu chỉ đơn thuần dựa vào công cụ này để hạn chế tiêu dùng đối với thuốc lá thì sẽ không thành công. Tăng thuế phải đề ra lộ trình để Việt Nam có thể dùng công cụ thuế song song với việc gia tăng các hoạt động tuyên truyền, giáo dục và sử dụng các biện pháp hành chính khác đi kèm để giảm thiểu việc sử dụng thuốc lá.

Việt Nam hiện nay có tỷ lệ hút thuốc lá tập trung chủ yếu ở nhóm thu nhập thấp. Theo một số chuyên gia, việc tăng giá thuốc lá hợp pháp đột ngột không khiến người tiêu dùng giảm hay bỏ hút thuốc ngay, bởi cai thuốc lá cần nhiều thời gian. Ngược lại, người dùng sẽ có xu hướng tìm đến thuốc lá bất hợp pháp với giá tiền thấp hơn rất nhiều so với thuốc lá hợp pháp. Điều này không những không hỗ trợ mục tiêu giảm sử dụng thuốc lá, mà còn gây ra sự mất ổn định trật tự xã hội và nhiều hệ lụy sức khỏe khác khi thuốc lậu không được kiểm soát.

Vì thế, chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần cân nhắc lộ trình tăng thuế để các doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đồng thời, giảm thiểu cơ hội cho buôn lậu thuốc lá tăng mạnh, khiến tỷ lệ giảm sử dụng thuốc lá không như kỳ vọng.

Tại tọa đàm trên, ông Pankajkumar, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dữ liệu đo lường và thông tin Malaysia chia sẻ, Malaysia có tỷ lệ hút thuốc cao. Vì thế, quốc gia này tăng thuế để khiến thuốc lá trở nên đắt đỏ. Tuy nhiên, điều này cũng khiến thuốc lá lậu tăng cao. Vào cuối năm 2020, hoạt động buôn bán thuốc lá bất hợp pháp đã gia tăng đến mức chiếm gần 2/3 tổng lượng thuốc lá bán ở Malaysia.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá: Cần xem xét kỹ những tác động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.