Xã hội

Đề xuất đưa vàng mã, hàng mã thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Đình Hiệp 22/11/2024 - 12:06

Thảo luận tại tổ Hà Nội sáng 22-11, đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) nhất trí cao với việc Chính phủ đề xuất đưa vàng mã, hàng mã thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

toan-canh-hn.jpg
Các đại biểu Quốc hội Đoàn thành phố Hà Nội thảo luận tại tổ sáng 22-11. Ảnh: Như Ý

Hạn chế tiêu dùng các sản phẩm có hại cho sức khỏe

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đại biểu Dương Minh Ánh cho rằng, hành vi đốt mã của người dân đang ngày càng trở nên phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và gây lãng phí lớn.

Hiện nay, chỉ số bụi mịn tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội đang lên rất cao, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của người dân. “Do đó, ngoài những biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân giảm đốt vàng mã, thì biện pháp tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này mục đích là để dần thay đổi hành vi đốt mã của người dân góp phần giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường”, đại biểu Dương Minh Ánh kiến nghị.

minh-anh.jpg
Đại biểu Dương Minh Ánh (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại tổ sáng 22-11. Ảnh: Như Ý

Đại biểu Đoàn Hà Nội cũng đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung mặt hàng như túi ni lông, thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại biểu Dương Minh Ánh cũng nhất trí về việc tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia để hạn chế tình trạng lạm dụng rượu, bia gây tác hại đến sức khỏe của người dân và trật tự an toàn xã hội. Quy định này cũng sẽ làm giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân do tác hại của rượu bia gây ra, giữ an toàn cho người dân khi tham gia giao thông.

thanh-mai.jpg
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu tại tổ. Ảnh: Như Ý

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí và đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) cho rằng, khi tăng thuế suất đối với mặt hàng nào đó cần cân nhắc lộ trình thực hiện cho phù hợp, nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp, thị trường, người tiêu dùng thích nghi với việc tăng thuế trong thời gian tới. Vì nếu tăng thuế quá nhanh và mạnh khiến doanh nghiệp không thể điều chỉnh công suất sản xuất phù hợp làm sụt giảm sản lượng đột ngột dẫn đến nhiều dự án đầu tư thua lỗ, không thể thu hồi được vốn.

Từ góc độ y tế, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết hành vi của người tiêu dùng là cần thiết, bởi hiện nay có nhiều mặt hàng không chỉ ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tác hại đối với môi trường. Qua nghiên cứu Tờ trình cũng như báo cáo và dự thảo Luật, đại biểu Trần Thị Nhị Hà cho rằng, cần phải có đánh giá tác động khách quan, đặc biệt là những bằng chứng khoa học của các chuyên gia trong lĩnh vực y tế xem nước giải khát có đường tác hại ra sao để có quy định cụ thể về hàm lượng đường.

nhi-ha.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) phát biểu tại tổ sáng 22-11. Ảnh: Như Ý

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, dự thảo Luật cũng cần có sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp sản xuất để họ chuyển sang sản xuất các sản phẩm có hàm lượng đường từ tự nhiên. Đồng thời, từng bước thay đổi thói quen, hành vi sử dụng đồ uống có đường của người dân, đặc biệt là giới trẻ để hạn chế tình trạng béo phì trong thanh, thiếu niên hiện nay.

Đề nghị mức thuế đối với các loại hình báo chí là 15%

Thảo luận về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sửa đổi, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) cho biết, mức thuế TNDN áp dụng đối với báo in là 10% và các loại hình báo chí khác là 20%. Theo dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi, báo in vẫn giữ nguyên 10%, còn các loại hình báo chí khác sẽ giảm 5%, tức là sẽ giữ ở mức 15%. Theo đại biểu, cần áp dụng mức thuế TNDN 10% với tất cả các loại hình báo chí.

db-do-chi-nghia-phu-yen.1.jpg
Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (Đoàn Phú Yên) phát biểu. Ảnh: Hồng Nguyễn

Đại biểu phân tích, báo chí là hoạt động chính trị - xã hội và vai trò, tính định hướng của báo chí với xã hội là hết sức lớn. Báo chí cách mạng Việt Nam không phải là đơn vị kinh doanh thuần túy nên cần sự hỗ trợ cho phù hợp.

Cùng với đó, các cơ quan báo chí đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn thu đang chảy sang mạng xã hội, các nền tảng khác khiến nguồn thu giảm, đời sống phóng viên vất vả. Vì thế, nếu không có những sự hỗ trợ phù hợp thì sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ chính trị, khó phát triển được.

dieu-thuy.jpg
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Quang Phúc

Liên quan đến vấn đề tính thuế cho các cơ quan báo chí, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, hiện nay, một số cơ quan báo chí nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, bao gồm cả ưu đãi vay vốn để phát triển hạ tầng, xây dựng các tòa nhà cao tầng. Các tòa nhà này không chỉ được sử dụng để phục vụ hoạt động báo chí, mà còn cho thuê để tạo nguồn thu bù đắp chi phí vận hành.

Tuy nhiên, khi thực hiện các quy định thuế, cơ quan thuế thường tách biệt phần diện tích tòa nhà được sử dụng cho hoạt động báo chí (hưởng ưu đãi) và phần diện tích cho thuê (bị áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp như các hoạt động kinh doanh thông thường). Điều này tạo ra khó khăn cho các cơ quan báo chí, vì hoạt động kinh doanh tòa nhà thực chất là giải pháp nhằm hỗ trợ duy trì hoạt động báo chí, nhưng lại bị đánh thuế như các hoạt động kinh doanh độc lập khác. Đại biểu cho rằng, quan điểm nêu trên chưa hợp lý cần được xem xét lại.

cuong.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Như Ý

Thảo luận về dự án Luật Thuế TNDN sửa đổi, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đánh giá cao việc cơ quan soạn thảo đưa đối tượng người nộp thuế doanh nghiệp là những đối tượng, tổ chức kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử phải chịu nộp thuế TNDN. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc này rất khó nên phải có cơ chế thu thuế tuyệt đối hoặc thu thuế theo doanh thu chứ không thể thực hiện theo cách với các doanh nghiệp trong nước hiện nay.

Trong khi đó, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo Luật Thuế TNDN sửa đổi quy định giảm thuế cho doanh nghiệp nếu lao động thuộc các nhóm đặc biệt (như người khuyết tật, người sau cai nghiện) chiếm ít nhất 30% tổng số lao động. Đại biểu cho rằng, quy định này có tính nhân văn nhưng chưa thực tế. Bởi việc yêu cầu tỷ lệ tối thiểu 30% lao động đặc biệt là quá cao.

bich-chau.jpg
Đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) phát biểu. Ảnh: Quang Phúc

Thay vì áp dụng một tỷ lệ cố định 30%, đại biểu Tô Thị Bích Châu đề xuất giảm ngưỡng tỷ lệ lao động đặc biệt để mở rộng số doanh nghiệp được hưởng chính sách ưu đãi. Ví dụ, tỷ lệ lao động đặc biệt có thể là 10% hoặc thấp hơn, tùy quy mô doanh nghiệp. Xem xét ưu đãi linh hoạt doanh nghiệp có bất kỳ số lượng lao động đặc biệt nào cũng nên được khuyến khích và hỗ trợ, nhằm động viên các doanh nghiệp tích cực tuyển dụng, đào tạo và giúp đỡ những người thuộc nhóm yếu thế hòa nhập xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất đưa vàng mã, hàng mã thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.