(HNM) - Sáng 22-9, Ủy ban Khoa học, công nghệ (KHCN) và môi trường của Quốc hội đã nghe giải trình về
Thực hành trong phòng thí nghiệm hệ thống điều khiển công nghiệp tại Viện Điện (Đại học Bách khoa Hà Nội). Ảnh: Hoàng Hùng - TTXVN
Vì sao hiệu quả thấp?
Đây là băn khoăn của nhiều đại biểu Quốc hội tham gia chất vấn lãnh đạo Bộ KHCN, Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KHĐT). Theo đó, từ năm 2000, Nhà nước luôn dành đủ 2% tổng chi ngân sách cho hoạt động KHCN và đã lên tới 13.168 tỷ đồng trong năm tài chính 2012. Tuy nhiên, dấu ấn, ảnh hưởng của KHCN trong rất nhiều lĩnh vực còn mờ nhạt.
Thừa nhận những yếu kém trong hoạt động KHCN, Bộ trưởng Bộ KHCN Nguyễn Quân cho biết, cách làm KHCN của nước ta hiện nay không theo thông lệ quốc tế và không phù hợp với đặc thù của lĩnh vực này. Bộ chỉ có thực quyền với khoảng 12% vốn ngân sách cấp cho hoạt động KHCN. 88% còn lại do Bộ Tài chính và Bộ KHĐT cấp. Đặc biệt, có tới 36% tổng chi ngân sách dành cho KHCN địa phương nhưng trên thực tế nhiều nơi đã điều chuyển kinh phí sai mục đích. Cụ thể, năm 2011, các địa phương được thụ hưởng 2.715 tỷ đồng và giải ngân được 2.044 tỷ đồng, còn lại 673 tỷ đồng được sử dụng cho lĩnh vực khác. Trong 2.044 tỷ đồng đã giải ngân, có đến 672 tỷ đồng chi sai, đưa số tiền chi sai mục đích lên tới 1.345 tỷ đồng (khoảng 49,5%) kinh phí phân bổ. Nhưng vấn đề gốc rễ khiến hoạt động KHCN bị nhìn nhận kém hiệu quả là cơ chế tài chính đã quá lạc hậu, khiến giới khoa học "nản lòng", không dành tối đa tâm sức để nghiên cứu.
Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) cho biết, nhà khoa học hiện rất vất vả với công tác thanh quyết toán tài chính và kinh phí được cấp rất chậm. Đến tháng 8-2012, các đề tài KHCN trọng điểm cấp Nhà nước vẫn chưa được cấp kinh phí dù được phê duyệt từ một năm trước đó. "Câu chuyện này kéo dài nhiều năm qua và nếu không tháo gỡ những bất cập đó thì giới khoa học sẽ nản lòng" - đại biểu Bùi Thị An nhận xét.
Bộ trưởng Nguyễn Quân thừa nhận cơ chế tài chính hiện hành không phù hợp với đặc thù của hoạt động KHCN. Cụ thể, các nhiệm vụ KHCN đều bị mặc định là phải được phê duyệt trước khi tổng hợp dự toán ngân sách cho năm tài chính sau và thường có trước 15-18 tháng, đến khi được cấp kinh phí thì nhiều nhiệm vụ không còn tính thời sự, thậm chí không cần thiết phải làm nữa. Nhiều nội dung phải điều chỉnh do trượt giá, lạm phát, khi điều chỉnh lại phải qua nhiều cấp xét duyệt phức tạp…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Thị Minh khẳng định, kinh phí cho KHCN không thiếu nhưng muốn giải ngân được thì phải tuân thủ những quy định. Cơ chế tài chính cho KHCN không phải do đơn vị này ban hành và ngành này chỉ là khâu cuối trong một quy trình khép kín. "Ngành tài chính nhiều lần bàn thảo sẽ trả lương nhà khoa học theo chức danh, năng lực và kết quả nghiên cứu để nhà khoa học thực sự sống được bằng lương. Tuy nhiên, để thay đổi thì chính giới khoa học phải đề xuất để ban hành các thủ tục thanh quyết toán sao cho thông thoáng hơn" - Thứ trưởng Nguyễn Thị Minh đề xuất.
Doanh nghiệp đứng ngoài "cuộc chơi"
Trong khi nguồn lực từ ngân sách nhà nước là "miếng bánh" được biết trước và không thể nhiều hơn thì cộng đồng doanh nghiệp (DN) phải là lực lượng chủ công trong đầu tư cho KHCN. Đây là cách làm KHCN của tất cả các quốc gia phát triển, nhưng thực tế ở nước ta đang đi ngược quy luật đó, rất ít DN quan tâm đến lĩnh vực này. Tổng đầu tư từ DN cho KHCN chỉ bằng khoảng 1/3 mức chi từ ngân sách.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Quân, từ nhiều năm qua đã có quy định DN được trích 10% lợi nhuận trước thuế để lập quỹ phát triển KHCN. Tuy nhiên, chính sách này chậm đi vào cuộc sống vì Luật Thuế thu nhập DN chỉ mang tính khuyến khích, không bắt buộc nên hầu hết DN không thực hiện. Mặt khác, hơn 90% DN Việt Nam có quy mô nhỏ và siêu nhỏ nên mức lợi nhuận trước thuế thấp, ngay cả trích đến 10% lợi nhuận thì cũng chỉ được vài chục triệu đồng, không đủ để đầu tư đổi mới công nghệ hay tạo ra sản phẩm mới. Ngoài ra, nhận thức của DN về vai trò của KHCN đối với sản xuất kinh doanh còn rất hạn chế. Ngay một số tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước cũng không quan tâm đầu tư cho hoạt động KHCN.
Nhằm thu hút hơn nữa sự quan tâm của DN với KHCN, Bộ KHCN chủ trương sẽ nghiên cứu lập quỹ phát triển KHCN địa phương trên cơ sở DN trích tối đa 10% lợi nhuận trước thuế cho quỹ này. Đóng góp của mọi DN cho quỹ đều được miễn thuế. Lãnh đạo địa phương sẽ lựa chọn một số DN chủ lực để đầu tư trước, tạo sản phẩm có sức cạnh tranh, thu hút nhiều lao động và góp phần vào tăng trưởng GDP, sau đó sẽ lần lượt đầu tư cho DN khác.
Tin vào giới khoa học: Bao giờ?
Đại biểu Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP Hồ Chí Minh) đặt câu hỏi: "Số đông nhà khoa học lấy thu nhập từ tham gia các đề tài nghiên cứu. Làm thế nào và đến bao giờ nhà khoa học sống được bằng lương?".
Bộ trưởng Nguyễn Quân trăn trở, rằng định mức chi nghiên cứu khoa học áp dụng hiện hành được ban hành từ khi lương tối thiểu chỉ là 120.000 đồng, bằng 1/9 mức hiện nay. Trong khi đó, giới khoa học đến nay vẫn chưa có phụ cấp nghề như hầu hết các ngành khác. Dự toán cho các nhiệm vụ KHCN rất thấp, không phù hợp, dẫn đến tình trạng phải hợp thức hóa chứng từ mới có đủ kinh phí là có thật. Thậm chí có người nói, thời gian dành cho thủ tục thanh quyết toán còn nhiều hơn nghiên cứu. Đến nay, Nhà nước vẫn chưa giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu cho các nhà khoa học nên việc thương mại hóa kết quả đó gặp nhiều khó khăn. "Giải quyết bài toán sở hữu sẽ là một trong những động lực để nhà khoa học yên tâm làm việc, sống được bằng việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu chứ không phải là sống bằng tiền đề tài. Đây cũng là cách nâng cao hiệu quả đầu tư cho KHCN" - Bộ trưởng Nguyễn Quân đề xuất.
Bao giờ nhà khoa học không phải "đau đầu nghĩ cách" khi thanh quyết toán kinh phí đề tài, có môi trường học thuật tự do sáng tạo... là những câu hỏi còn bỏ ngỏ, đồng thời là thách thức ảnh hưởng đến sự phát triển của KHCN nước nhà trong những năm tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.