Công nghệ

Phát triển doanh nghiệp KHCN ở các trường đại học: Cần được quan tâm đúng mức

Thu Hằng 25/07/2023 - 06:31

Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở các trường đại học, viện nghiên cứu... (còn gọi là doanh nghiệp spin-off) là bài học thành công của nhiều trường đại học trên thế giới và là xu hướng phát triển giáo dục đại học gắn với đổi mới sáng tạo hiện nay. Tại Việt Nam, mô hình này chưa được quan tâm đúng mức và chưa thực sự có những cơ chế để khuyến khích phát triển.

nghien-cuu.jpg
Hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm của Trường Đại học Phenikaa.

Còn nhiều “điểm nghẽn”

Doanh nghiệp spin-off được hình thành cũng để tạo thuận lợi tối đa trong việc thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu khoa học do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế.

Thời gian qua, nhiều trường đại học ở Việt Nam đã thành lập doanh nghiệp thuộc trường nhưng chưa phải là doanh nghiệp spin-off đúng nghĩa, mà chủ yếu là các công ty TNHH một thành viên, hoặc công ty cổ phần với phần lớn vốn là của trường đại học, nhà trường chi phối hoạt động của các doanh nghiệp đó, giống như một đơn vị trực thuộc trường. Một số trường đã phát triển mô hình doanh nghiệp spin-off, song chưa đạt được hiệu quả như mong đợi.

Theo Trưởng phòng Quản lý khoa học Trường Đại học Cần Thơ Lê Nguyễn Đoan Khôi, hiện nay, việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu và thành lập doanh nghiệp trong trường đại học gặp khó khăn. Một trong những vướng mắc đó là Luật Viên chức không cho phép viên chức trong viện nghiên cứu, trường đại học công lập tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp. Hoặc nếu muốn làm giám đốc điều hành công ty spin-off thì phải rời vị trí hiện tại của mình. Vì vậy, để thành lập doanh nghiệp spin-off phải thuê quản lý bên ngoài khiến khó khăn trong phân chia lợi ích…

Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo nông nghiệp Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Việt Long cho biết, học viện có nhiều kết quả nghiên cứu khoa học như giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, quy trình canh tác, chế phẩm phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... có tiềm năng chuyển giao và thương mại hóa phục vụ sản xuất. Tuy nhiên, khó phát triển các doanh nghiệp spin-off vì vướng mắc với quy định quản lý tài sản trí tuệ hình thành từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Còn Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học và công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phạm Đức Nghiệm cho biết, hành lang pháp lý để hình thành doanh nghiệp spin-off đã có nhưng thực tiễn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc vì có sự khác biệt khá lớn giữa các quy định pháp luật trong Luật Khoa học và Công nghệ với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Công chức viên chức, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư…

Cần tháo gỡ “nút thắt”

Để thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu và huy động được đội ngũ trí thức khoa học của các trường, viện tham gia đổi mới sáng tạo cần rà soát, bổ sung các quy định pháp luật.

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục Đại học Quốc gia Hà Nội Đinh Văn Toàn, để phát triển doanh nghiệp trong các trường đại học, bên cạnh việc hoàn thiện các thị trường về công nghệ, vốn, lao động… thì hệ thống luật pháp cần tháo gỡ được các “nút thắt” như: Cho phép các cơ sở giáo dục đại học được quyền khai thác tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu khoa học kể cả các nghiên cứu do ngân sách nhà nước tài trợ; gỡ bỏ việc không cho phép các cán bộ nghiên cứu và viên chức - nhà khoa học thành lập và quản lý các doanh nghiệp spin-off để hiện thực hóa các ý tưởng sáng tạo hoặc công nghệ do mình phát triển...

“Dù Nghị định số 109/2022/NĐ-CP ngày 30-12-2022 cho phép cơ sở giáo dục đại học góp vốn bằng tài sản trí tuệ là kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có nguồn gốc ngân sách nhà nước đã được cơ quan có thẩm quyền giao quản lý sử dụng để liên doanh, liên kết… nhưng trong thực tế chưa thể thực hiện khi chưa có các cơ chế cụ thể định giá và triển khai về phương diện tài chính, tài sản” - ông Đinh Văn Toàn nhấn mạnh.

Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Thị Lan kiến nghị, cần thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách thuận lợi cho mô hình spin-off, trong đó cho phép các nhà khoa học được tham gia vào ban quản lý điều hành doanh nghiệp spin-off để làm chủ công nghệ và đổi mới sáng tạo công nghệ, tạo sản phẩm mới chất lượng và hiệu quả; giao quyền cho các cơ sở nghiên cứu, trường đại học quyết định khai thác, sử dụng các sản phẩm đề tài nghiên cứu từ nguồn ngân sách nhà nước và chịu trách nhiệm về nguồn kinh phí thu được cho việc tái đầu tư cho nghiên cứu.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đang phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh các quy định của Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước. Hy vọng, việc điều chỉnh này sẽ tạo ra chính sách mới để phát triển thị trường khoa học công nghệ, hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp spin-off.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển doanh nghiệp KHCN ở các trường đại học: Cần được quan tâm đúng mức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.