Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Minh cho biết, giai đoạn 2016-2022, thành phố đầu tư 13.657 tỷ đồng vào khoa học, công nghệ, chiếm hơn 2,5% ngân sách nhà nước.
Ngày 26-12, Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng khoa học và công nghệ trong xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội thành phố”.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Minh cho biết, giai đoạn 2016-2022, thành phố đã đầu tư 13.657 tỷ đồng vào khoa học và công nghệ, chiếm hơn 2,5% ngân sách nhà nước. Trong số này, 4.628 tỷ đồng dành cho sự nghiệp khoa học, công nghệ và 9.028 tỷ đồng cho đầu tư phát triển khoa học, công nghệ.
Nhờ đó, chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) tăng mạnh, đạt trung bình 46,7%, với 74% đóng góp từ khoa học và công nghệ. Năng suất lao động của thành phố cao gấp 2 lần so với cả nước và năng suất lao động trong doanh nghiệp công nghệ cao vượt trội, gấp 1,67 lần so với mức chung của thành phố.
Tại hội thảo, Chủ tịch Công ty TNHH Đào tạo lãnh đạo và dịch vụ phát triển bền vững (SDLT) Nguyễn Hoàng Dũng cho biết, thành phố Hồ Chí Minh có lực lượng đông đảo các doanh nghiệp với nhiều tiềm năng về công nghệ, thương mại, giáo dục, quản trị và liên kết quốc tế; trung tâm giáo dục, đào tạo tri thức và nguồn nhân lực trình độ cao; nơi tập trung nhiều lao động có tay nghề cao làm việc…, là những điều kiện thuận lợi để thúc đẩy, xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn. Thành phố cũng là đầu mối hợp tác quốc tế trong cả khu vực kinh tế lẫn giáo dục, tạo nền tảng vững chắc trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng lấy kinh tế tuần hoàn làm trọng tâm.
Song song đó, thành phố Hồ Chí Minh cần ưu tiên thu hút các doanh nghiệp có năng lực đổi mới sáng tạo và quản trị tiên tiến, khuyến khích đầu tư phát triển các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, tạo động lực trực tiếp nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Còn PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) cho rằng, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo là yêu cầu thiết yếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt trong giai đoạn chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng kinh tế tri thức mà thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò tiên phong.
Đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế tuần hoàn trên địa bàn thành phố góp phần xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thực chất, hiệu quả, nhằm giải quyết các vấn đề về bền vững, qua đó tạo động lực phát triển kinh tế xanh.
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Quân, các giải pháp mà thành phố Hồ Chí Minh có thể vận dụng như: Tạo các động lực thị trường mới nhằm thúc đẩy khởi nghiệp xanh; kết nối các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, phát triển khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo xanh; phát triển các chương trình đào tạo chuyên nghiệp cho học sinh, sinh viên và những nhà khởi nghiệp xanh.
Cùng với đó là xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, trong đó bao gồm mối quan hệ với các tỉnh, thành Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên và quốc tế; xây dựng chính sách phát triển thị trường vốn đầu tư cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo xanh, thu hút các quỹ đầu tư quốc tế đầu tư vào thành phố; xây dựng chính sách tạo các thị trường mới cho sản phẩm, dịch vụ và quy trình xanh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.