(HNM) - Tháng Giêng là mùa lễ hội diễn ra ở khắp các làng quê và như dân gian vẫn nói “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”... Thế nhưng, giờ đây tháng Giêng không còn là tháng ăn chơi nữa, đặc biệt với người nông dân. Ngay trong những ngày Tết, người dân khu vực ngoại thành Hà Nội đã bắt tay vào sản xuất với mong muốn cuộc sống ngày càng no đủ hơn.
Người dân bắt tay ngay vào sản xuất
Từ tối mùng 2 Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chị Phạm Thị Định ở cụm 5, xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) đã bắt tay làm mẻ đậu phụ đầu tiên trong năm. Chị Định vui vẻ cho biết: “Gia đình có nghề làm đậu phụ gia truyền, làm quanh năm suốt tháng, chỉ nghỉ ngày 30 tháng Chạp và mùng 1 Tết Nguyên đán. Để làm được 20kg đậu tương thành hàng trăm bìa đậu phụ, hai lao động chính trong gia đình phải thức từ 11h đêm hôm trước tới sáng sớm hôm sau mới hoàn thành...”.
Sáng sớm, những mẻ đậu phụ đầu tiên của năm theo chị Định vào nội thành bán cho người tiêu dùng. “Làm hàng ngày Tết tuy vất nhưng có thu nhập cao, đậu bán giá gấp đôi, gấp ba... so với ngày thường. Vả lại, gia đình làm đậu kết hợp với chăn nuôi lợn nên phải làm thì mới có bã đậu cho lợn ăn” - chị Phạm Thị Định phấn khởi nói.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Hà Nguyễn Mạnh Hà, xã có 217 hộ làm đậu phụ và 144 hộ nấu rượu gạo. Nhiều năm qua, những nghề phụ này đã mang lại cơm no, áo ấm cho hàng trăm hộ dân. Bởi vậy, tháng Giêng hay bất cứ tháng nào trong năm, người dân nơi đây cũng cần cù, chịu khó phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập.
Những ngày sau Tết, thường thì người dân các xã ngoại thành mới bắt tay vào sản xuất vụ xuân. Nhưng năm nay, do cơn mưa “lạ” vào ngày 30 và mùng 1 Tết nên bà con ra đồng sớm hơn. Ông Nguyễn Văn Sang, ở thôn Thị Nguyên, xã Cao Dương (huyện Thanh Oai) cho biết: “Gia đình làm 2 mẫu lúa, trước Tết Nguyên đán đã gieo mạ, dự kiến sẽ cấy lúa vào dịp rằm tháng Giêng. Trong những ngày Tết, tôi dành nhiều thời gian hơn cho việc ra đồng chăm sóc mạ, mở ni lông trên mặt ruộng để mạ phát triển tốt trong thời tiết chứa đựng nhiều yếu tố bất thường...”.
Thời điểm hiện tại, trên khắp các cánh đồng, nông dân các huyện đang khẩn trương đối phó với thách thức của thời tiết để có “mùa vàng bội thu”. Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, không giống với các ngành, nghề khác, sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với rủi ro bởi thiên tai, dịch bệnh, thời tiết bất thường... Do vậy, ngay sau Tết, người dân đã bắt tay vào sản xuất, bảo đảm đúng khung thời vụ gieo trồng được ngành Nông nghiệp khuyến cáo…
Những ngày này, người dân nông thôn làm công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, các khu công nghiệp... cũng đã trở lại với nhịp sống hối hả thường nhật. Trên khắp các tuyến đường cửa ngõ vào Thủ đô đã nhộn nhịp “người quê” lên thành phố để đi làm... Không khí Tết qua nhanh nhường chỗ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhịp sống thời hiện đại.
Không “ngụp lặn” trong “tháng ăn chơi”
Gắn với những đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp - văn minh lúa nước, tháng Giêng là tháng có nhiều lễ hội nhất trong năm. Cũng vì vậy mà trong tâm thức dân gian vẫn còn lưu giữ quan niệm: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi”. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trên địa bàn thành phố có khoảng 1.200 lễ hội dịp đầu năm. Trong đó, có những lễ hội lớn như: Chùa Hương (huyện Mỹ Đức), đền Sóc (huyện Sóc Sơn), đền Cổ Loa (huyện Đông Anh), đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh), đền Tản Viên Sơn Thánh (huyện Ba Vì)…, thu hút hàng trăm nghìn lượt khách trong và ngoài nước tham gia.
Lễ hội trong những ngày đầu năm là nét đẹp văn hóa truyền thống. Du xuân, chơi hội là nhu cầu chính đáng của mỗi người dân. Thế nhưng, trong nhịp sống hiện đại, không thể lạm dụng quan niệm coi “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” mà mải mê hội hè, bỏ bê việc kinh doanh, sản xuất.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho biết: “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” là câu ca nằm trong bài ca dao về nông lịch: Tháng Giêng là tháng ăn chơi/ Tháng Hai trồng đậu, trồng khoai, trồng cà/ Tháng Ba thì đậu đã già/ Ta đi ta hái về nhà phơi khô... Về mặt nông lịch, tháng Giêng là tháng nông nhàn. Tháng này, người nông dân thảnh thơi nên có thời gian tham gia hội hè, vui chơi... Tuy vậy, câu ca trên chỉ đúng khi đứng trong cả bài ca dao và trong từng ngữ cảnh. “Người nông dân không thể ăn chơi cả tháng, còn việc đồng áng, còn lợn, còn gà, bỏ bê được sao? Bao đời vẫn vậy, nông dân ai cũng lo làm, lo ăn chứ dại gì mà ăn chơi…” - nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ nói thêm.
Như vậy, cần hiểu đúng nghĩa câu “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” đặt trong nông lịch và cũng chỉ phù hợp với một thời đã xa, khi sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu theo mùa, vụ. Đã từ lâu, tháng Giêng không còn là “tháng ăn chơi” nữa bởi nông thôn bây giờ không còn là một xã hội thuần nông như trước đây. Người nông dân ngoài việc đồng áng đã có đến mấy mùa vụ, còn rất nhiều nghề phụ, người ta không làm việc này thì cũng có việc khác để làm.
Theo Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng, huyện Đan Phượng có tốc độ đô thị hóa nhanh, ngoài làm nông nghiệp, người dân còn phát triển rất nhiều ngành nghề như các nghề chế biến lâm sản ở Liên Trung, Liên Hà, Liên Hồng; nghề làm đậu phụ, nấu rượu ở xã Hồng Hà; nghề may ở Tân Hội... Do vậy, trong những năm gần đây, không khí lễ hội thường trôi nhanh, ngay từ đầu năm, người dân đã ra đồng cấy lúa xuân và bắt tay vào hoạt động sản xuất, buôn bán...
Còn Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết: Ngay sau Tết Nguyên đán, nông dân đã xuống đồng chuẩn bị cho vụ mới, với các nhà vườn thì đây là dịp để chăm sóc cây ăn quả, đặc biệt là bưởi để đón vụ mới... Tháng Giêng không còn là “tháng ăn chơi” bởi cơ cấu nghề nghiệp bây giờ đã thay đổi rõ rệt, thêm nữa, nông dân ít hơn trước, số người làm trong các lĩnh vực dịch vụ tăng dần lên. Theo truyền thống, lễ hội vẫn được duy trì ở nhiều làng xã, vùng quê… như một nét đẹp văn hóa chứ không nặng tính “hội hè - đình đám” kéo dài như trước. Bởi lẽ đó, người dân ở các miền quê vẫn vui hội mà không bỏ bê công việc.
Xã hội phát triển, không thể duy trì thói quen sinh hoạt nông nghiệp như trước đây. Tháng Giêng bởi lẽ đó không còn là tháng để “ngụp lặn” trong hội hè mà là tháng khởi đầu cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh hướng tới “mùa vàng” của những mục tiêu mới trên con đường phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.