Công nghệ

Thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp của Hà Nội:Nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh

Thu Hằng 10/12/2024 - 06:28

Đổi mới công nghệ là yếu tố “sống còn” của các doanh nghiệp. Hiểu rõ điều này nên thời gian qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều chương trình hỗ trợ, góp phần giúp các doanh nghiệp từng bước ứng dụng thành công những công nghệ mới, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường.

den-led.jpg
Dây chuyền sản xuất bộ đèn LED tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Hỗ trợ, đồng hành với doanh nghiệp

Hà Nội hiện đứng đầu toàn quốc về số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ, với 180/800 doanh nghiệp (chiếm 22,5%). Nhờ đổi mới công nghệ, chất lượng sản phẩm được nâng lên, các doanh nghiệp đã tạo được vị thế vững chắc trên thị trường.

Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông là một trong những doanh nghiệp tiên phong của Hà Nội trong việc áp dụng đổi mới công nghệ. Việc áp dụng các công nghệ như đèn LED thông minh, công nghệ sản xuất vật liệu nano và hệ thống chiếu sáng tiết kiệm năng lượng đã giúp Rạng Đông nâng cao chất lượng và hiệu suất sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tiêu hao điện năng và nguyên vật liệu, đóng góp tích cực vào bảo vệ môi trường.

Trong lĩnh vực sản xuất, phân phối thuốc, Công ty cổ phần Dược phẩm CPC1 Hà Nội thường được nhắc đến với sản phẩm thuốc tiêm có chất lượng cao trên thị trường dược phẩm Việt Nam. Công ty đang đặt mục tiêu thay thế các sản phẩm thuốc nhập ngoại để bảo đảm an ninh về thuốc cho Việt Nam.

Nhờ ứng dụng những công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý, các doanh nghiệp trên không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Tuy nhiên, thành công này không chỉ đến từ nỗ lực tự thân của doanh nghiệp mà còn nhờ vào sự hỗ trợ quan trọng từ thành phố Hà Nội.

Đơn cử, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ. Điều này giúp tạo ra khung pháp lý thuận lợi cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, thành phố còn quan tâm kết nối các doanh nghiệp với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ; tổ chức các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ, trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ.

Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng và Thiết bị công nghiệp CIE1 Hoàng Anh Sơn cho biết, khi đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ mới, CIE1 đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đặc biệt là trong vấn đề thuế. Trong 2 năm đầu áp dụng các sản phẩm khoa học công nghệ, công ty được giảm 50% thuế, một chính sách khuyến khích mạnh mẽ các doanh nghiệp đầu tư vào đổi mới công nghệ.

Sẽ sớm vận hành Sàn giao dịch công nghệ

Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, việc áp dụng công nghệ mới đang mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp của Hà Nội. Tuy nhiên, không phải lúc nào hành trình này cũng diễn ra thuận lợi. Theo Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà, các doanh nghiệp Thủ đô phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Đó là khó khăn, thách thức trong tiếp cận thông tin, nhất là những thông tin về công nghệ mới nhanh và chính xác; định giá và thẩm định công nghệ, lựa chọn công nghệ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện thị trường công nghệ chưa phát triển đồng bộ khiến doanh nghiệp gặp khó khi muốn kết nối nhu cầu với bên cung cấp công nghệ...

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Quốc Hà cho biết, thời gian tới, những cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô sẽ ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt, khi Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Thủ đô. Trong đó bao gồm việc phát triển các quy định cụ thể hỗ trợ hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như việc thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học.

Luật cũng cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong một số lĩnh vực, đặc biệt là những công nghệ mới; cho phép các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức khoa học công nghệ công lập được phép thành lập doanh nghiệp, cán bộ, giảng viên có thể làm chủ doanh nghiệp. Điều này giúp cho kết quả nghiên cứu khoa học trong các viện, trường học đi vào cuộc sống nhanh hơn, phục vụ cho mục tiêu phát triển của Thủ đô cũng như cả nước.

“Chúng tôi đang xây dựng cơ chế, chính sách để phát triển thị trường khoa học và công nghệ. Đặc biệt, thành phố đã thông qua đề án Sàn giao dịch công nghệ, trong năm 2025 sẽ vận hành. Đây là nơi kết nối cung - cầu công nghệ và đưa ra những dịch vụ khoa học và công nghệ giúp cho các viện, trường học, doanh nghiệp, nhà khoa học tiếp cận công nghệ mới và có thể đánh giá, định giá một cách chính xác về giá trị và đưa vào ứng dụng trong sản xuất”, ông Nguyễn Quốc Hà thông tin thêm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp của Hà Nội: Nâng cao hiệu quả sản xuất và sức cạnh tranh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.