Trải qua 80 năm xây dựng, trưởng thành, chiến đấu, chiến thắng, dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, cùng với việc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của “Đội quân chiến đấu”, “Đội quân công tác”, Quân đội nhân dân Việt Nam cũng luôn thực hiện tốt chức năng “Đội quân lao động sản xuất”.
Vừa chiến đấu, vừa tăng gia, sản xuất
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Các cơ quan trong Quân đội phải cố sức trồng trọt chăn nuôi để tự túc phần nào, để giảm bớt gánh nặng của nhân dân” [1]. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngay từ ngày đầu thành lập và trong kháng chiến chống thực dân Pháp, các đơn vị quân đội vừa chiến đấu, công tác, vừa tích cực tăng gia, sản xuất, tự túc một phần nhu cầu đời sống.
Ngay sau thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế, tham gia xây dựng các cơ sở kinh tế như: Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Khu công nghiệp Việt Trì, công trình Đại thủy nông Bắc - Hưng - Hải, xây dựng 29 nông trường trên miền Bắc.
Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Trung ương 15 (khóa II) về “Nhiệm vụ cách mạng ở hai miền Nam - Bắc” và nhiệm vụ Quân đội trong việc chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, Bộ Quốc phòng đã bàn giao 29 nông trường và gần 4 vạn cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên cho Bộ Nông nghiệp quản lý; đồng thời, chuyển hướng nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội với quy mô và hình thức lớn hơn, trọng tâm là xây dựng hậu phương tại chỗ trên chiến trường miền Nam.
Lực lượng của các đơn vị đã tham gia xây dựng căn cứ hậu phương, căn cứ hậu cần tại chỗ trên các vùng chiến lược ở Khu 5, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ... Bộ Quốc phòng đã thành lập 20 trung đoàn sản xuất, với quân số gần 40.000 người, vừa tổ chức sản xuất hậu cần cung cấp cho các chiến trường, vừa chuẩn bị lực lượng cho kinh tế quốc doanh khi miền Nam được giải phóng. Lực lượng Bộ đội Trường Sơn (giai đoạn 1959-1975) đã vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ mở tuyến chi viện chiến lược trên bộ với hơn 1.300km từ Quảng Bình đến chiến trường Đông Nam Bộ, cùng các lực lượng khác xây dựng hàng vạn ki lô mét đường bộ, đường sông, đường ống, đường dây thông tin liên lạc,... hình thành hệ thống các căn cứ chiến đấu, chiến dịch, chiến lược, đáp ứng nhu cầu về sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam và chi viện cho nước bạn Lào, Campuchia, góp phần quan trọng vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân
Sau khi đất nước thống nhất, các đơn vị quân đội lại là lực lượng xung kích trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, tham gia phát triển kinh tế - xã hội. Gần 28 vạn cán bộ, chiến sĩ chuyển sang làm nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế. Lực lượng này đã tham gia khắc phục hậu quả chiến tranh, thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm kết hợp kinh tế với quốc phòng, như: Đường sắt Thống nhất Bắc - Nam, xây dựng các khu kinh tế mới, trồng cà phê, cao su, mía, bông ở Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, khai hoang mở rộng đất sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Bộ, Đồng Tháp Mười, trồng rừng ở Tây Nguyên, quai đê lấn biển mở rộng đất trồng lúa, cói, nuôi trồng thủy sản ở Đồng bằng Bắc Bộ, khai thác khoáng sản…
Đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, toàn quân đã quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về thực hiện chức năng “Đội quân lao động sản xuất”. Đặc biệt, từ khi có Nghị quyết số 71/ĐUQSTƯ, ngày 25-4-2002, của Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương) về “Nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế của Quân đội trong thời kỳ mới - tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp quân đội”, nhiệm vụ sản xuất, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng của Quân đội được tổ chức ngày càng chặt chẽ, có bước phát triển toàn diện cả về quy mô, phạm vi, phương thức hoạt động và đạt hiệu quả thiết thực. Công tác tham gia sản xuất, xây dựng phát triển kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế được lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ trong toàn quân, có bước phát triển toàn diện, đi vào chiều sâu, phù hợp với chủ trương phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường quốc phòng, an ninh của Đảng trong giai đoạn mới và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng.
Thực hiện chủ trương của Đảng, Quân đội đã thành lập một số đoàn kinh tế - quốc phòng và xây dựng hàng chục khu kinh tế - quốc phòng trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển và hải đảo. Việc kết hợp kinh tế với quốc phòng thực sự góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, huyện - nền tảng của thế trận quốc phòng toàn dân, ngày càng vững chắc.
Các đơn vị quân đội đã tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng kinh tế và đạt hiệu quả cao trên nhiều mặt, góp phần tăng cường tiềm lực, thế trận quốc phòng toàn dân. Trong đó, các đoàn kinh tế - quốc phòng đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức quy hoạch, bố trí lại dân cư, tạo việc làm, sinh kế bền vững cho hàng trăm nghìn hộ dân, hình thành hàng trăm điểm, cụm dân cư tập trung trên vành đai biên giới, địa bàn xung yếu. Cán bộ, chiến sĩ các đoàn kinh tế - quốc phòng tích cực hỗ trợ, giúp nhân dân xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, kết hợp thực hiện công tác dân vận, xây dựng cơ sở chính trị, góp phần tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia xây dựng “thế trận lòng dân”, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững chắc và tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển đảo, tạo nền tảng bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, góp phần hình thành thế bố trí chiến lược mới trên các địa bàn chiến lược. Hoạt động của các đoàn kinh tế - quốc phòng đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều doanh nghiệp quân đội năng động, sáng tạo, vượt khó vươn lên, mở rộng thị trường đầu tư, trở thành đối tác kinh tế có uy tín cả ở trong và ngoài nước. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp quân đội đã tiên phong tham gia phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, làm chỗ dựa tin cậy cho ngư dân và các lực lượng hoạt động trên biển, nhất là ở các vùng biển đảo xa bờ. Các doanh nghiệp ngành công nghiệp quốc phòng hòa nhập sâu hơn vào công nghiệp quốc gia; nhận chuyển giao công nghệ, vươn lên nắm bắt, làm chủ nhiều công nghệ lưỡng dụng tiên tiến, hiện đại; nghiên cứu thiết kế, chế tạo, sản xuất được nhiều sản phẩm tiên tiến, chất lượng cao phục vụ quốc phòng và đời sống dân sinh, kết hợp hiệu quả giữa kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế trên từng địa bàn và cả nước...
Có thể kể ra một số doanh nghiệp quân đội trên các lĩnh vực khác nhau, như: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Ngân hàng thương mại cổ phần Quân đội (MB), Tổng công ty Trực thăng Việt Nam, Tổng công ty Sông Thu, Tổng công ty Hồng Hà, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn... đang khẳng định là một bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc dân, góp phần tăng cường tiềm lực của thế trận quốc phòng toàn dân. Đặc biệt, Viettel thực sự là doanh nghiệp tiêu biểu của Quân đội và cả nước trong đầu tư nghiên cứu phát triển công nghệ cao, mang tính lưỡng dụng và đạt hiệu quả kinh tế cao. Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn áp dụng kỹ thuật tiên tiến trong thi công xây dựng các công trình giao thông, hoàn thành nhiều công trình lớn, góp phần thực hiện đột phá về xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông theo chủ trương của Đảng...
Những kết quả Quân đội đạt được trong thực hiện chức năng “Đội quân lao động sản xuất” trong 80 năm qua thật đáng tự hào. Kết quả đó một lần nữa cho thấy Quân đội ta không chỉ thực hiện tốt vai trò nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước, mà còn tham gia tích cực, có hiệu quả vào công cuộc đó. Đồng thời, khẳng định ý thức, trách nhiệm chính trị cao của toàn quân trong việc quán triệt và thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược, kết hợp quốc phòng với kinh tế, bảo vệ Tổ quốc với xây dựng đất nước.
[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập 7, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.431.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.