Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thách thức toàn cầu

Thùy Dương| 28/05/2015 06:06

(HNM) - Biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp cả về tần suất và mức độ ảnh hưởng đến con người. Minh chứng rõ nhất là tình trạng hạn hán và nắng nóng đang biến mùa hè năm nay trở nên khắc nghiệt nhất.

Cơ quan Khí tượng thủy văn Ấn Độ cho hay, nhiệt độ trên 450C xuất hiện tại nhiều bang như Telangana và Andhra Pradesh. Tại thủ đô New Delhi, nhiệt độ cao nhất được ghi nhận ở mức 43,50C. Nắng nóng như thiêu đốt ở khu vực phía tây và phía nam Ấn Độ đã làm khoảng 1.100 người dân quốc gia này tử vong. Giới chức Ấn Độ đã đưa ra "báo động đỏ" đối với những khu vực bị ảnh hưởng khi dự kiến nhiệt độ có thể tiếp tục gia tăng trong những ngày tới.

Hạn hán kéo dài do biến đổi khí hậu gây ra.



Tuy nhiên, không chỉ Ấn Độ là "nạn nhân" của tình trạng thời tiết cực đoan, các nhà khoa học cảnh báo biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn biến ngày càng phức tạp theo hướng nghiêm trọng hơn. Khoảng 250 triệu người bị ảnh hưởng bởi những trận lũ lụt ở Nam Á, Châu Phi và Mexico giữa lúc các nước Nam Âu phải đối mặt nguy cơ bị hạn hán nghiêm trọng, còn các nước Tây Âu thì đang bị đe dọa bởi mực nước biển dâng cao cũng như băng giá mùa đông khốc liệt. Theo quan sát từ vệ tinh, diện tích các lớp băng ở Bắc Cực, Nam Cực, băng ở Greenland và một số núi băng đang ngày càng nhỏ lại. Dự báo đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình trái đất sẽ tăng lên khoảng từ 2,0 đến 4,50C và mực nước biển toàn cầu sẽ tăng từ 0,18m đến 0,59m. Biến đổi khí hậu còn kéo theo sự xuất hiện của dịch bệnh và tình trạng khan hiếm về lương thực, nước ngọt. Dự báo, sẽ có khoảng 1,8 tỷ người trên thế giới gặp khó khăn về nước sạch và 600 triệu người bị suy dinh dưỡng vì thiếu lương thực trong những năm tới.

Việt Nam là một trong 4 nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu và dâng cao của nước biển. Theo thống kê, số đợt không khí lạnh ảnh hưởng đến Việt Nam giảm rõ rệt trong vòng 2 thập kỷ qua. Bên cạnh đó, lượng mưa biến đổi không nhất quán giữa các vùng, hạn hán có xu hướng mở rộng, đặc biệt là ở khu vực Nam Trung bộ, dẫn đến gia tăng hiện tượng hoang mạc hóa. Nhiều hồ chứa nước ở khu vực đã trơ đáy trong khi hàng nghìn hécta trồng lúa, hoa màu bị bỏ hoang vì thiếu nước tưới. Trong khi đó, để đối phó với nạn hạn hán, chính quyền bang California của Mỹ đã buộc phải tiến hành các biện pháp hà khắc để hạn chế người dân dùng nước. Ngay từ đầu tháng 5, cơ quan cung cấp nước của bang California cho biết dù lượng tuyết rơi dày trong năm nhưng vẫn không đủ giúp bang này trải qua một mùa hè dễ dàng. Đó là lý do cơ quan này đã công bố quy định chi tiết về hạn chế cung cấp nước cho từng quận, giảm mức tiêu thụ xuống 8%, thậm chí có những nơi như những khu vực giàu có là đến 36% . Nước cũng đang trở thành một vấn đề gây bất bình cho người dân tại các thành phố lớn ở Brazil và quốc gia này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nước tồi tệ nhất trong lịch sử. Hàng triệu người sống tại Sao Paulo, thành phố lớn nhất Brazil, phụ thuộc vào lượng nước tại lưu vực sông Cantareira nhưng dung tích sông này hiện chỉ còn 15,5%. Ở Iran, 520 thành phố đang đối mặt với tình trạng thiếu nước uống do lượng mưa thấp trong thời gian gần đây. Bộ Năng lượng Iran, cơ quan chịu trách nhiệm điều tiết nguồn nước, gần đây công bố số liệu cho biết khoảng 60% các hồ chứa nước của các đập lớn tại nước này đã cạn kiệt và lượng nước chảy vào các hồ đập đã giảm 16% kể từ đầu mùa thu năm ngoái.

Theo ước tính của Liên hợp quốc, từ nay đến năm 2050, sẽ có khoảng 150 triệu người phải rời bỏ nơi sinh sống vì các hiện tượng thời tiết cực đoan kéo theo tình trạng di cư cao, ảnh hưởng đến an ninh của nhiều nước. Khả năng tranh chấp, chiến tranh và sự chênh lệch giàu nghèo như một hậu quả của biến đổi khí hậu sẽ khiến thế giới gặp nhiều bất ổn. Nhưng trên hết, các loại dịch bệnh đang tăng theo nhiệt độ của trái đất và biến đổi theo hướng nguy hiểm hơn đe dọa nghiêm trọng sức khỏe con người. Vì thế, việc ứng phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra đang là thách thức cho tất cả các quốc gia. Kèm theo đó, việc hợp tác để cùng nhau hạn chế sự thay đổi của thời tiết cũng như tác động của nó đến đời sống con người phải là một ưu tiên mang tính sống còn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thách thức toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.