Gần 1 tháng đã trôi qua kể từ khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào nước ta nhưng hậu quả và những ảnh hưởng của nó vẫn hết sức nặng nề, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh và sinh kế của người dân.
Ước tính bão và hoàn lưu bão đã làm 344 người chết và mất tích, 281.966 ngôi nhà bị hư hỏng, tốc mái, 112.034 ngôi nhà bị ngập. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính ban đầu là 81.503 tỷ đồng.
Bão số 3 không chỉ là cơn bão có nhiều điểm dị thường, chưa từng có trong tiền lệ mà còn là minh chứng rõ nét nhất về sự khốc liệt, nguy hiểm của hiện tượng thời tiết cực đoan trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Vậy, biến đổi khí hậu là gì?
Đó là sự thay đổi của khí hậu trong một khoảng thời gian dài do tác động của các điều kiện tự nhiên và hoạt động của con người, biểu hiện bởi sự nóng lên toàn cầu, mực nước biển dâng và gia tăng các hiện tượng khí tượng thủy văn, thời tiết cực đoan, tác động tiêu cực đến hệ sinh thái và cuộc sống của con người.
Hiểu rõ tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu trong phát triển đất nước bền vững, Đảng, Nhà nước ta đã sớm ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch liên quan đến ứng phó với biến đổi khí hậu. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên”. Bên cạnh đó, nước ta tích cực tham gia các cơ chế, thỏa thuận liên quan tới biến đổi khí hậu như: Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu năm 1994, Nghị định thư Kyoto năm 2002, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2016. Đặc biệt, tại Hội nghị Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra năm 2021, nước ta cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào năm 2050...
Với sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận trong ứng phó với biến đổi khí hậu, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Ứng phó với biến đổi khí hậu đã trở thành trách nhiệm của mỗi người dân và doanh nghiệp, thu hút sự tham gia của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu diễn ra với tốc độ nhanh, phức tạp nên hằng năm nước ta phải hứng chịu nhiều loại hình thiên tai cực đoan, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, trong đó có những diễn biến khác so với tiền lệ trước đây như nắng nóng kỷ lục, ngập lụt cục bộ hay xâm nhập mặn kéo dài. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, thiên tai tiếp tục diễn biến bất thường, khó dự báo. Một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như: Hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên. Mưa lớn, dông lốc, sét, mưa đá ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên đặc thù, có đường bờ biển với tổng chiều dài khoảng 3.260km, trải dài từ Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) đến Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang), nước ta là đất nước dễ bị tổn thương trước tác động của biến đổi khí hậu. Trong khi đó, biến đổi khí hậu lại đang ngày càng gay gắt, phức tạp, khó lường và có những tác động mạnh hơn so với trước đây. Do đó, chúng ta cần phải hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn nhằm ngăn chặn những hậu quả “thảm khốc” do biến đổi khí hậu gây ra. Trên tinh thần này, tại phiên họp lần thứ 5, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại COP26 diễn ra ngày 2-10 vừa qua, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo đã yêu cầu: “Ứng phó với biến đổi khí hậu cần hành động nhanh hơn nữa, trong đó có việc thực hiện cam kết giảm phát thải”.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, rõ ràng hành động nhanh, quyết liệt hơn nữa là vô cùng cần thiết. Các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cần chung tay sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường theo xu thế chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, phục hồi hệ sinh thái, hướng đến đạt được mục tiêu phát triển bền vững và trung hòa carbon. Đặc biệt là cần chủ động thực hiện hiệu quả Kết luận số 81-KL/TƯ ngày 4-6-2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, chuyển mạnh sang phát triển và sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo...
Hậu quả bão số 3 để lại vừa qua là hết sức nặng nề. Tuy nhiên, đây cũng là dịp nhìn nhận, đánh giá lại công tác ứng phó với biến đổi khí hậu để chúng ta hành động nhanh hơn, hiệu quả hơn trong việc xây dựng tầm nhìn, chiến lược dài hạn tại mỗi ngành, mỗi địa phương hay thậm chí là từng doanh nghiệp, người dân. Cùng chung tay hành động chắc chắn chúng ta sẽ hóa giải được các thách thức từ biến đổi khí hậu để đất nước ngày càng phát triển nhanh và bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.