(HNM) - Việc tắt sóng công nghệ di động thế hệ cũ đã, đang được cơ quan quản lý viễn thông nhiều quốc gia và các nhà khai thác mạng di động trên thế giới thực hiện. Tại Việt Nam, thông tin sẽ tắt sóng mạng 2G được lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đề cập tại Diễn đàn cấp cao về Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa qua. Vậy, thời điểm nào sẽ dừng khai thác 2G và nếu dừng thì những ai bị ảnh hưởng và ảnh hưởng như thế nào?
Vì sao tắt sóng 2G?
Theo Hiệp hội Thông tin di động toàn cầu (GSMA), thuê bao 2G trên thế giới sẽ giảm còn 6% vào năm 2025; thuê bao 3G cũng sẽ giảm còn 21% vào năm 2025.
Tại thị trường trong nước, đến nay chưa có số liệu cụ thể, song theo Bộ Thông tin và Truyền thông thì lượng thuê bao 2G ngày càng giảm, nhường chỗ cho thuê bao 4G và 3G.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Tiến Sơn, Trưởng phòng Cấp phép và Thị trường - Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng, việc phải tắt sóng công nghệ cũ là cần thiết. Vì trên mạng viễn thông Việt Nam đang tồn tại cả 3 công nghệ di động: GSM (mạng 2G) triển khai từ năm 1990, IMT 2000 (3G) triển khai từ năm 2009 và LTE-A (4G) triển khai từ năm 2016. Trong khi đó, cả 3 nhà mạng Viettel, MobiFone, VNPT (VinaPhone) đang thử nghiệm 5G, dự kiến thương mại hóa dịch vụ này trong năm 2020. Vậy khi triển khai 5G, mạng viễn thông Việt Nam tồn tại đồng thời 4 công nghệ di động (từ 2G đến 5G), sẽ gây lãng phí. Chẳng hạn, khi vận hành nhiều công nghệ cùng lúc, không những lãng phí băng tần mà còn tốn kém chi phí, nhất là công nghệ cũ tiêu hao năng lượng lớn.
Đồng tình với nhận định trên, ông Huỳnh Quang Liêm - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, VNPT và các nhà mạng đang thiếu băng tần cho triển khai 4G. Do vậy, việc tắt sóng 2G sẽ giúp “giải phóng” băng tần 1.800MHz để dùng cho 4G. Ngoài ra, việc tắt sóng 2G là hợp lý, vì đến nay tỷ lệ khấu hao đạt cao (VNPT đã khấu hao 92%) trong khi 3G thì tỷ lệ khấu hao còn thấp. Với MobiFone thì việc tắt sóng 2G cũng là phù hợp dựa trên căn cứ số lượng máy 2G ngày càng giảm. Đồng thời, việc dừng phát sóng công nghệ cũ sẽ mở ra tiềm năng thị trường mới đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ...
Tại Diễn đàn cấp cao về Cách mạng công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức ngày 3-10, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã nêu rõ quan điểm 100% người Việt Nam có điện thoại thông minh sẽ là một yếu tố quan trọng thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số quốc gia. Cũng theo Bộ trưởng, Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Do vậy, các yếu tố nền tảng sẽ được đầu tư trước và một trong số đó là hạ tầng viễn thông. Từ đó có thể ứng dụng các công nghệ mới như IoT (internet kết nối vạn vật), Big Data (dữ liệu lớn), AI (trí tuệ nhân tạo) sẽ giúp chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số...
Thời điểm và phương án
Ông Huỳnh Quang Liêm cho biết: "Dự kiến hết năm 2019, VinaPhone còn khoảng 6,8 triệu thuê bao 2G, đến năm 2022 còn 3,9 triệu thuê bao, năm 2023 còn khoảng 2,5 triệu thuê bao. Chúng tôi cho rằng cơ quan quản lý sớm tuyên bố tắt mạng 2G để doanh nghiệp và khách hàng có kế hoạch chuyển dịch sử dụng thiết bị đầu cuối sang 3G, 4G. Dựa trên đánh giá của VNPT, chúng tôi đề xuất chọn thời điểm tắt mạng 2G từ ngày 1-1-2024”.
Về thời điểm tắt 2G, ông Nguyễn Tiến Sơn chia sẻ, Cục Viễn thông đã xây dựng các phương án khác nhau. Trong đó, Cục đề xuất phương án chọn mốc thời điểm dừng phát sóng 2G từ ngày 1-1-2022; ước tính có khoảng 30 triệu thuê bao 2G bị ảnh hưởng.
Theo Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Huỳnh Quang Liêm, ngay từ bây giờ cơ quan quản lý cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất máy đầu cuối có hỗ trợ 3G, 4G giá rẻ. Cùng với đó, cần sớm xây dựng chính sách trợ giá, hoặc có chính sách đổi máy điện thoại hỗ trợ 3G giá rẻ cho người dùng.
Ở góc độ chuyên gia, ông Thiều Phương Nam - Tổng Giám đốc Qualcomm (Mỹ) tại Việt Nam, Lào và Campuchia cho biết, để hỗ trợ các nhà mạng tắt sóng 2G phục vụ các mục tiêu phát triển, Qualcomm đã sản xuất chipset 4G (chạy trên mạng 4G) phục vụ cho khách hàng sử dụng điện thoại cơ bản - feature phone. Ước tính chi phí sản xuất 1 chiếc điện thoại này khoảng 25 USD và các nhà sản xuất điện thoại có thể sản xuất phân khúc này để phục vụ người dùng, nếu ngừng tắt sóng công nghệ cũ...
Chia sẻ rõ hơn về phương án hỗ trợ người dùng, ông Nguyễn Tiến Sơn cho biết, tương tự như việc tắt sóng truyền hình công nghệ tương tự (analog), Nhà nước hỗ trợ các hộ gia đình có ti vi đầu thu kỹ thuật số để xem truyền hình kỹ thuật số, vậy khi tắt sóng 2G, Bộ đưa ra các phương án có dự toán kinh phí. Việc hỗ trợ kinh phí sẽ dựa vào ngân sách nhà nước (một phần, lấy từ Quỹ Viễn thông công ích); hỗ trợ từ các nhà sản xuất (doanh nghiệp "nội" và đối tác sản xuất "ngoại"); nhà mạng (chính sách trợ giá) và cuối cùng là người dùng.
Được biết, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sớm công bố việc tắt sóng công nghệ 2G để định hướng thị trường và người sử dụng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.