Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân

Kim Nhuệ| 24/02/2021 06:24

(HNM) - Hiện Hà Nội vẫn còn 5.219ha đất nông nghiệp chưa có nước gieo cấy, tiếp tục đi sau so với 10 tỉnh, thành phố thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ trong việc lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp vụ xuân 2021. Do vậy, bên cạnh việc tập trung lấy nước cho diện tích còn lại, bài toán đặt ra là cần có giải pháp hướng tới giảm phụ thuộc nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện.

Công nhân Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích kiểm tra vận hành Trạm bơm dã chiến Phù Sa (thị xã Sơn Tây).

Còn 5.219ha chưa có nước sản xuất

Chỉ còn 10 ngày nữa là kết thúc khung thời vụ tốt nhất để gieo cấy lúa xuân 2021. Tuy nhiên, trên xứ đồng thuộc địa bàn các xã: Sài Sơn, Yên Sơn, Phượng Cách... của huyện Quốc Oai còn nhiều diện tích chưa có nước làm đất, gieo cấy. Bà Nguyễn Thị Liên, người dân ở xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai) cho biết: "Hiện chúng tôi đang chờ đợi và rất mong các đơn vị thủy nông đẩy nhanh tiến độ cấp nước để nông dân làm đất, gieo cấy kịp thời vụ"... Không riêng huyện Quốc Oai, nhiều diện tích gieo cấy lúa xuân thuộc địa bàn các huyện: Thạch Thất, Phúc Thọ, thị xã Sơn Tây... cũng chưa có nước sản xuất.

Theo tổng hợp của Chi cục Thủy lợi Hà Nội, đến 7h sáng 23-2, 4 doanh nghiệp thủy lợi thành phố Hà Nội đã cấp đủ nước cho 79.270ha, đạt 93,4% kế hoạch gieo cấy vụ xuân. Như vậy, Hà Nội còn 5.219ha chưa có nước làm đất, gieo cấy... “Với kết quả nêu trên, Hà Nội tiếp tục là một trong 3 địa phương có tiến độ lấy nước chậm nhất so với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực trung du và Đồng bằng Bắc Bộ...”, Cục trưởng Cục Quản lý công trình thủy lợi (Tổng cục Thủy lợi) Nguyễn Hồng Khanh đánh giá.

Về vấn đề trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Hà Nội Đào Quang Khải cho biết, từ năm 2004 đến nay, mực nước sông Hồng vào mùa khô thường xuyên xuống thấp khiến nhiều công trình lấy nước ven sông của Hà Nội không thể vận hành. Ứng phó với tình trạng này, thành phố Hà Nội đã đầu tư nhiều trạm bơm cố định lấy nước sông Hồng ở mực nước thấp, như: Trung Hà, Đan Hoài, Hồng Vân, Thụy Phú... Đồng thời, đầu tư kinh phí lắp đặt các trạm bơm dã chiến: Phù Sa, Bá Giang, Thanh Điềm, Ấp Bắc, Quang Lãng... Tuy nhiên, do lòng dẫn hạ thấp, mực nước sông Hồng ngày càng xuống thấp nên nhiều công trình thủy lợi không đủ điều kiện vận hành. "Mặt khác, tiến độ lấy nước của Hà Nội chậm hơn các tỉnh, thành phố trong khu vực là do nhiều diện tích trồng hoa, cây cảnh, rau màu canh tác trên đất lúa, nông dân chưa thu hoạch nên các doanh nghiệp thủy lợi không thể đưa nước lên ruộng...", ông Đào Quang Khải thông tin.

Nâng cao năng lực công trình lấy nước

Để đẩy nhanh tiến độ lấy nước gieo cấy vụ xuân 2021, Chủ tịch Công ty TNHH một thành viên Thủy lợi sông Tích Đặng Tuấn Hùng đề xuất, Bộ NN&PTNT sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện đợt điều tiết nước thứ ba bảo đảm duy trì mực nước sông Hồng tại Trạm thủy văn Sơn Tây từ 1,8m trở lên… Bên cạnh đó, nhằm từng bước giảm phụ thuộc nguồn nước điều tiết từ các hồ thủy điện, Sở NN&PTNT Hà Nội cần kiến nghị với Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội đầu tư cải tạo, nâng cấp các trạm bơm: Phù Sa, Ấp Bắc, Đan Hoài, Bá Giang; xây dựng mới trạm bơm dã chiến thay thế nhiệm vụ của cống Liên Mạc...

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề này bên lề buổi làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội và các đơn vị liên quan về tiến độ lấy nước vụ xuân 2021, diễn ra chiều 22-2, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết, Bộ NN&PTNT đã làm việc và thống nhất với thành phố Hà Nội tiếp tục điều tiết nước hồ thủy điện, bảo đảm duy trì mực nước sông Hồng đạt từ 1,8m trở lên, từ ngày 22 đến 25-2. Trong thời gian này, Hà Nội cần vận hành 200 trạm bơm, trong đó có 4 trạm bơm dã chiến công suất lớn liên tục 24/24 giờ, bảo đảm lấy nước nhanh nhất. Bên cạnh đó, thành phố cần tăng cường điều tiết, sử dụng hiệu quả nguồn nước các hồ thủy lợi, tận dụng nguồn nước hồi quy, thủy triều dâng trên các sông Hồng, Đáy; đồng thời, trữ vào hệ thống kênh mương phục vụ giai đoạn tưới dưỡng lúa xuân...

“Trong bối cảnh nguồn nước ngày càng khó khăn, lòng dẫn sông Hồng ngày càng hạ thấp, Hà Nội nên nghiên cứu để xây dựng các trạm bơm dã chiến thành công trình cố định; phấn đấu đến năm 2023 cơ bản xóa các trạm bơm dã chiến. Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tích cực chỉ đạo chuyển đổi khoảng 19.000ha cấy lúa trên vùng đất cao sang loại cây trồng khác...”, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp gợi mở.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Sở NN&PTNT và các đơn vị, địa phương liên quan quyết liệt triển khai các biện pháp cấp đủ nước cho 100% diện tích sản xuất vụ xuân ngay trong đợt điều tiết thứ ba; vận động nông dân đẩy nhanh tiến độ thu hoạch rau màu, xuống đồng hoàn thành công tác gieo cấy trước ngày 3-3 tới. Về lâu dài, thành phố Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng hệ thống thủy lợi gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp, giảm phụ thuộc nguồn nước hồ thủy điện...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tập trung lấy nước phục vụ sản xuất vụ xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.