“Công tác xây dựng và củng cố hệ thống chính trị cấp cơ sở tại một số nơi chưa thực sự quyết liệt. Vai trò hạt nhân, lãnh đạo chính trị của một số cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Đây là một trong những nhận xét của Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII) về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng 6 tháng đầu năm 2023. Tập trung khắc phục khâu yếu, việc kém cũng chính là ưu tiên hàng đầu của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới.
Điểm nhấn cần thiết
Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã ban hành 10 chương trình công tác, trong đó Chương trình số 01-CTr/TU về “Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị thành phố trong sạch, vững mạnh; đẩy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021-2025” là xương sống, cốt lõi. Một điểm nhấn cần thiết trong thực hiện Chương trình số 01-CTr/TU từ đầu nhiệm kỳ đến nay là Thành ủy tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, định hình phong cách lãnh đạo mang tính hành động; đề cao trách nhiệm và thực chất.
Cuối năm 2022, Ban Thường vụ Thành ủy đã gợi ý kiểm điểm sâu đối với 29 cơ quan, đơn vị và cán bộ lãnh đạo, quản lý có liên quan. Ban Thường vụ các quận, huyện, thị ủy gợi ý kiểm điểm sâu đối với 60 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc và cá nhân cán bộ lãnh đạo, quản lý liên quan. 6 tháng qua, các đảng bộ, cơ quan, đơn vị được gợi ý kiểm điểm sâu đã khẩn trương ban hành kế hoạch và triển khai thực hiện giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém.
Ngoài ra, các quận, huyện, thị ủy còn căn cứ vào Chỉ số cải cách hành chính được UBND thành phố công bố để làm rõ nguyên nhân hạn chế, tập trung cải thiện những tiêu chí còn yếu. Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ứng Hòa Nguyễn Tiến Thiết cho biết, huyện đã chỉ ra 13 hạn chế, tồn tại, đến nay khắc phục xong 7 nội dung. Còn Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho hay, quận đã khắc phục xong 13/14 tiêu chí bị trừ điểm năm 2022, còn 1 tiêu chí đang rà soát để khắc phục trong thời gian tới.
Thực chất, hiệu quả, tránh qua loa, hình thức
Những tháng đầu năm 2023, các ban Đảng Thành ủy đã triển khai và hoàn thành khối lượng công việc lớn, đem lại kết quả tích cực trên các mặt của công tác xây dựng Đảng. Đáng chú ý, toàn Đảng bộ đã kết nạp được 5.155/9.810 đảng viên, đạt tỷ lệ 53% so với chỉ tiêu thành phố giao. Trong đó, chủ trương kết nạp học sinh trung học phổ thông vào Đảng đã được triển khai hiệu quả. Hà Nội tiếp tục mở rộng thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng thuộc sở, ban, ngành; UBND quận, huyện, thị xã và đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND thành phố. Đến nay, khối cơ quan Đảng đã triển khai thi tuyển, bổ nhiệm đối với 6 chức danh tại 2 đơn vị làm điểm; khối chính quyền thi tuyển 76 chức danh tại 46 đơn vị, đã hoàn thành thi tuyển 67/76 chức danh (đạt 88%).
Ủy ban Kiểm tra các cấp kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 52 tổ chức Đảng và 121 đảng viên (tăng 26 đảng viên so với cùng kỳ năm 2022); kiểm tra xong và kết luận 6 tổ chức Đảng (chiếm 13,9%) và 55 đảng viên (chiếm 46%) có vi phạm; thi hành kỷ luật 1 tổ chức Đảng và 39 đảng viên (chiếm 71% số đảng viên vi phạm).
Công tác cải cách hành chính của thành phố tiếp tục được xác định là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả chủ đề công tác năm 2023. Theo Chánh Văn phòng UBND thành phố Hà Nội Trương Việt Dũng, đến nay 531/617 thủ tục hành chính (đạt 86,06%) đã được ủy quyền đồng thời với quy trình nội bộ.
Ban Chỉ đạo Chương trình số 01-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội lưu ý, để phát huy hiệu quả, khắc phục hạn chế, tồn tại, những tháng cuối năm 2023, các cấp ủy Đảng phải tập trung khắc phục các khâu yếu, việc kém; cụ thể là 11 hạn chế, 5 nguyên nhân; thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trọng tâm là thực hiện hiệu quả chuyên đề “Đổi mới công tác chính trị tư tưởng, nâng cao tính chiến đấu, tính thuyết phục, tính hiệu quả đáp ứng yêu cầu tình hình mới nhiệm kỳ 2020-2025”.
Đối với công tác tổ chức cán bộ, thành phố tập trung hoàn thành 6 đề án, quy chế, quy định; đồng thời hướng dẫn, đôn đốc củng cố 48 tổ chức cơ sở Đảng (18 tổ chức chuyển tiếp từ năm 2022 và 30 tổ chức phát sinh mới); làm tốt cả 3 mặt: Giáo dục, rèn luyện; quản lý và phát triển đảng viên. Đặc biệt, các cấp ủy tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; phát huy dân chủ ở cơ sở, mở rộng các mô hình “dân vận khéo”...
Trong quá trình đó, Ban Chỉ đạo lưu ý cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, nhất là cá nhân người đứng đầu phải đề cao thực chất, hiệu quả, tránh qua loa, hình thức. Khi họp hay làm việc với cấp dưới, báo cáo kết quả, thành tích thật khái quát, dành thời gian để nghe khó khăn, vướng mắc, những hạn chế, tồn tại, yếu kém để tập trung tháo gỡ, khắc phục.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.