(HNM) - Đang có những dấu hiệu cho thấy nhiều cấp ủy cơ sở chưa coi trọng, thiếu kỹ năng thực hiện tuyên truyền và vận động nhân dân dẫn đến những hệ quả không đáng có.
Vì tuyên truyền không tốt
Xuân Dương và Cao Viên là hai xã cuối cùng của huyện Thanh Oai chưa hoàn thành công tác dồn điền, đổi thửa (DĐĐT). Có hàng loạt dấu hiệu cho thấy sự thiếu coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, vi phạm dân chủ trong quá trình thực hiện tại hai xã. Cán bộ huyện Thanh Oai xác nhận, khi xây dựng phương án DĐĐT, xã Cao Viên chưa tổ chức bàn bạc thấu đáo với nhân dân. Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội Lê Thiết Cương cho biết, xã Xuân Dương vi phạm quy chế dân chủ ở cơ sở, chưa đạt đồng thuận của dân đã thực hiện DĐĐT dẫn đến bức xúc. Cùng với 2 xã của Thanh Oai, còn 46 xã thuộc 9 huyện khác cũng chưa hoàn thành DĐĐT vì những nguyên nhân tương tự.
Dồn điền đổi thửa tạo thuận lợi cho sản xuất quy mô lớn tại xã Bình Minh, huyện Thanh Oai. Ảnh: Thái Hiền |
Tình trạng cấp ủy cơ sở chưa coi trọng đúng mức công tác tuyên truyền, vận động nhân dân còn xảy ra ở nhiều nơi, trong nhiều công việc khác nhau. Sự việc hàng trăm người dân xã Mễ Trì (nay là phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) tập trung trước trụ sở xã phản đối thu hồi đất không cho dân đi vào miếu Bản Thổ ngày 26-3-2014 vừa qua là một bài học. Nguyên nhân là vì người dân cho rằng, xã làm đường cho Công ty Điện lực Từ Liêm, không cho dân đi nữa. Trước đó vài ngày, sự việc trùng tu chùa Quang Húc tại xã Đông Quang, Ba Vì bị người dân phản đối cũng vì họ không được tham gia góp ý ngay từ đầu. Đầu năm nay, hàng trăm hộ dân xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm cũng tụ tập tại trụ sở xã để phản đối việc "chuyển trường xây chợ, bán nhà giữ xe". Nguyên nhân cũng vì người dân không hiểu tại sao xã lại thực hiện dự án.
Theo số liệu của Ban Tiếp dân TP Hà Nội, mỗi năm có hàng nghìn vụ việc khiếu kiện của người dân đối với các chủ trương, chính sách của cấp ủy, chính quyền địa phương, trong đó có hàng chục vụ việc khiếu kiện đông người. Nguyên nhân phổ biến là vì cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nói để cho dân hiểu và chia sẻ. Rất may, với sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy cấp quận, huyện, đặc biệt là sự chỉ đạo của thành phố, những vụ việc trên sớm được "hạ nhiệt". Tuy nhiên, đây là lời cảnh báo về sự thiếu coi trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân của cấp ủy cơ sở.
Tăng cường kiểm tra, chỉ đạo
Thực tế, khi tiến hành một dự án hay công trình ở địa phương, nhiều cấp ủy cơ sở chưa lắng nghe nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, nên không đánh giá được mức độ ủng hộ hay phản đối của người dân có lợi ích liên quan. Trong quá trình thực hiện có nơi còn cố tình úp mở, che đậy thông tin. Nhiều trường hợp cán bộ thiếu gương mẫu, tham nhũng, tiêu cực càng đẩy công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thêm khó khăn.
Trong khi đó, thời gian qua, không ít cấp ủy coi trọng đúng mức công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đã giải quyết hiệu quả được những việc khó, việc "nóng". Huyện ủy Phú Xuyên đã chỉ đạo giải quyết tốt 7 điểm phức tạp về DĐĐT do người dân không chịu nhận ruộng để canh tác. Đến nay, tại cả 7 điểm này, người dân đã nhận ruộng, cấy xong 100% diện tích. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phạm Hùng Vĩ cho biết: "Bài học chủ yếu ở đây là nhờ công tác nắm bắt dư luận, tuyên truyền và vận động nhân dân. Chúng tôi đã huy động cả hệ thống chính trị vào việc này". Quận Hà Đông từng có tới 15 vụ việc phức tạp, khiếu kiện đông người. Nhưng đến nay, quận đã giải quyết được 12 vụ. Theo Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Nguyễn Thị Liên, kết quả trên là nhờ công tác tuyên truyền đã được triển khai đến tận nhà những hộ dân liên quan. Hiện nay, Quận ủy Hà Đông đang chỉ đạo tiếp tục thực hiện theo hướng này để giải quyết dứt điểm 3 vụ việc còn lại. Một số cấp ủy địa phương khác thành công trong tuyên truyền, vận động nhân dân vì luôn đề cao tính đối thoại trong quan hệ với dân. Mỗi khi có vấn đề dân chưa thông là tổ chức đối thoại công khai, kịp thời…
Cấp ủy xã, phường, thị trấn thường ít coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, nhưng rõ ràng trong sự thiếu sót này có phần trách nhiệm thiếu kiểm tra, không kịp thời chỉ đạo, đôn đốc của cấp ủy quận, huyện. Mỗi công việc lại đặt ra những đòi hỏi khác nhau về công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nên không chỉ coi trọng công tác tuyên truyền, vận động, cấp ủy địa phương còn cần rèn luyện kỹ năng, trau dồi kinh nghiệm trong công tác này mới có thể thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.