(HNM) - Thống kê của Bộ Tài chính cho thấy, tỷ lệ giải ngân vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) từ năm 2016 đến nay không đạt dự toán. Việc này kéo theo nhiều hệ lụy như: Chính phủ sẽ phải trả phí cam kết cao hơn; các dự án phải trả chi phí nhiều hơn; chi phí quản lý dự án cũng tăng…
Yêu cầu hiện nay là các bộ, ngành, địa phương cần tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn ODA để bảo đảm tiến độ thực hiện các dự án liên quan.
Giải ngân vốn liên tục "lỗi hẹn"
Theo Bộ Tài chính, tốc độ giải ngân vốn ODA liên tục chậm, không đạt mục tiêu đề ra. Trong kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn ODA và vay ưu đãi là 360.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2019, con số giao từ dự toán ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2019 là 244.000 tỷ đồng, bằng gần 70% kế hoạch điều chỉnh của cả giai đoạn. Cụ thể, năm 2016, dự toán Quốc hội giao là 50.000 tỷ đồng nhưng giải ngân chỉ được 42.000 tỷ đồng, đạt 81%; năm 2017 dự toán 74.000 tỷ đồng, giải ngân đạt 56.000 tỷ đồng, đạt 74% dự toán; năm 2018, dự toán là 60.000 tỷ đồng, giải ngân 32.000 tỷ đồng, đạt 53%. Lũy kế đến đầu tháng 6-2019, số chưa giải ngân so với kế hoạch ban đầu là 166.000 tỷ đồng.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến việc giải ngân vốn ODA liên tục “lỗi hẹn”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tình trạng này được xác định liên quan đến pháp luật về ngân sách, nợ công, đầu tư công...; việc điều chỉnh dự toán không kịp thời... "Nếu không có sự chung tay của các bộ, ngành, chủ dự án, nhà tài trợ thì khó có thể giải ngân đạt tiến độ...", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhìn nhận.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông, giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi chưa đạt như dự kiến cũng có lý do là một số dự án đang trong giai đoạn quyết toán cần hoàn thiện một số thủ tục.
Đề cập thêm về việc này, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, 6 tháng đầu năm 2019, lũy kế giải ngân vốn nước ngoài cho cấp phát đầu tư phát triển là 2.050 tỷ đồng (đạt 3,42% kế hoạch). Hiện nay, có 26 khoản vay với tổng giá trị hơn 3,4 tỷ USD ký mới từ năm 2016 đến nay có nhu cầu giải ngân, nhưng chưa được đưa vào kế hoạch.
Với thực trạng trên, nhiều dự án triển khai bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi đã bị chậm tiến độ. Điển hình là tại thành phố Hồ Chí Minh, năm 2019 nhu cầu vốn ODA từ nguồn ngân sách trung ương cho 5 dự án là 11.491 tỷ đồng. Tuy nhiên, cuối năm 2018, số vốn được giải ngân cho 3 dự án là 199 tỷ đồng. Trong đó, dự án đường sắt Bến Thành - Suối Tiên cần 7.000 tỷ đồng, dự án cải thiện môi trường nước có nhu cầu cấp vốn 2.500 tỷ đồng đều chưa thể triển khai do thiếu vốn.
Tương tự, tại Hà Nội, dự án đường sắt đô thị đến nay mới giải ngân được khoảng 9.000 tỷ đồng/gần 33.000 tỷ đồng (đạt 27,3%). Ông Lê Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, việc bố trí vốn thiếu so với yêu cầu đã gây ra nhiều bất lợi cho quá trình triển khai dự án.
Còn Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cho biết, năm 2019, tỉnh được giao kế hoạch từ nguồn vốn ODA là trên 284 tỷ đồng cho 6 dự án. Các dự án thuộc chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu có tỷ lệ giải ngân khá cao, nhưng các dự án sử dụng nguồn vốn cấp phát và vốn vay lại từ ngân sách trung ương đến nay chưa giải ngân. Nguyên nhân là do thủ tục đầu tư của các dự án sử dụng vốn vay phải qua nhiều khâu, quy trình giải ngân, thanh toán rất chặt chẽ dẫn tới tiến độ giải ngân rất chậm.
Cần đơn giản hóa thủ tục
Đánh giá về việc giải ngân vốn của Việt Nam, ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết: "Tỷ lệ giải ngân năm 2018 của Việt Nam chỉ ở mức 11,2%, bằng một nửa so với tỷ lệ trung bình của giai đoạn 2011-2014 và tiến độ chỉ bằng một nửa so với các quốc gia khác. Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn ODA, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan đơn giản hóa thủ tục và giảm số lượng các bước phê duyệt. Ngoài ra, cần đơn giản hóa thủ tục phân bổ ngân sách bổ sung theo kế hoạch cho các dự án đang thực hiện...".
Để đẩy nhanh giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi, hiện các bộ, ngành liên quan và địa phương đang tập trung triển khai một số giải pháp cụ thể. Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, đối với các dự án do Bộ Giao thông - Vận tải thực hiện, Bộ sẽ gắn trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị về kết quả giải ngân; chỉ đạo các cơ quan tham mưu thuộc Bộ phối hợp chặt chẽ với các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để sớm giải quyết các vướng mắc trong quá trình triển khai dự án.
Đồng tình với quan điểm này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, thời gian tới, cần phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan đến quy trình, thủ tục giải ngân vốn ODA. Các bộ, ngành, địa phương, các ban quản lý dự án cũng cần phối hợp đồng bộ với Bộ Tài chính, Kho bạc Nhà nước, các nhà tài trợ trong việc giải ngân.
"Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong đàm phán, ký kết các hiệp định vay và các thủ tục điều chỉnh nhằm thúc đẩy thực hiện dự án, không để kéo dài thời hạn giải ngân vốn như hiện nay", Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.