(HNMO) - Shinshu Ham, tập đoàn chế biến thực phẩm lớn của Nhật Bản, sẽ mở nhà máy sản xuất chế biến thực phẩm thứ hai ở Việt Nam tại khu công nghiệp FLC.
Buổi làm việc giữa FLC và tập đoàn Nhật Bản. |
Đó là nội dung thỏa thuận hợp tác giữa FLC và Shinshu Ham, sau buổi làm việc hôm 6/3 tại Hà Nội.
Là tập đoàn lớn hàng đầu Nhật Bản về lĩnh vực chế biến thực phẩm (xúc xích, dăm bông, thịt xông khói….), Shinshu Ham cũng chọn FLC là nhà phân phối các sản phẩm của Shinshu Ham tại Việt Nam.
Như vậy, sau khi xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm đầu tiên tại Đồng Nai vào năm 2010, đây là bước đi tiếp theo của Shinshu Ham nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ tại Việt Nam, cũng như xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Cũng theo thỏa thuận giữa FLC và Shinshu Ham, việc xây dựng nhà máy chế biến thực phẩm sẽ được triển khai trong quý II/2014, và FLC sẽ hỗ trợ các thủ tục pháp lý cần thiết giúp đối tác Nhật Bản.
Ông Yukio Nakamura, Chủ tịch Shinshu Ham cho rằng tiềm năng, thế mạnh và các điều kiện về hạ tầng, giao thông, vị trí địa lý của khu công nghiệp FLC rộng 400 ha mà FLC đang sở hữu là cần thiết và phù hợp với việc triển khai nhà máy chế biến thực phẩm của tập đoàn này.
Tại buổi làm việc, đánh giá về sự phát triển vượt bậc của FLC trong các lĩnh vực then chốt là bất động sản, tài chính và thương mại với hàng loạt các dự án đã và đang triển khai…, phía Nhật đã đề nghị FLC hỗ trợ các thủ tục pháp lý cần thiết để xúc tiến việc tham gia vốn góp bằng việc sở hữu cổ phần của FLC. Hai bên sẽ tiến hành thảo luận cụ thể về tỉ lệ cổ phần tham gia.
“Tôi đã có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu và được biết rằng luật Việt Nam cho phép và tạo cơ hội cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp trong nước. Với mục tiêu phát triển mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ở Việt Nam, tôi cũng sẽ tham gia đầu tư cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động ổn định, vững chắc và minh bạch”, ông Nakamura nói với BizLIVE.
Trong khuôn khổ cuộc gặp với ông Nakamura, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cũng đã gặp gỡ và trao đổi cơ hội hợp tác với ông Shigeharu Kobayashi, Chủ tịch Tập đoàn Kokusai Keike, hoạt động trong lĩnh vực thương mại và đầu tư nước ngoài tại Nhật.
Theo đó, Kokusai Keike sẽ đảm nhận vai trò là đơn vị đại diện phía Nhật Bản để hỗ trợ các nhà đầu tư Nhật tham gia vào khu công nghiệp của FLC.
Trò chuyện với BizLIVE về kế hoạch thu hút vốn từ các nhà đầu tư chiến lược ngoại, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho biết đây là một chủ trương lớn của FLC trong năm 2014, nhằm bổ sung vốn, kênh phân phối và sự hiểu biết thị trường của các đối tác nước ngoài. “Chúng tôi mong muốn chọn các nhà đầu tư từ Nhật Bản để học hỏi những kinh nghiệm và tiêu chuẩn của nước này, để tiếp tục phát triển trong lĩnh vực mà FLC đang có thế mạnh tại Việt Nam”, ông nói.
Mới đây, vào trung tuần tháng 2/2014, quỹ đầu tư tài chính GEM (Global Emerging Markets) và tập đoàn FLC đã ký thỏa thuận khung về phương án đầu tư 800 tỷ đồng thực hiện dưới hình thức cam kết hạn mức mua cổ phần của FLC. GEM là quỹ đầu tư tài chính được thành lập năm 1991 có trụ sở tại London, New York, Paris và Hồng Kông. Hiện GEM đã lập 7 quỹ chuyên đầu tư vào các công ty niêm yết và chưa niêm yết vừa và nhỏ có tiềm năng thuộc các lĩnh vực khác nhau tại các thị trường mới nổi. Trong 22 năm qua, quỹ này đã thực hiện thành công khoảng trên 300 thương vụ ở 64 quốc gia.
Năm 2013 doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của FLC đạt 1.747 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 135,2 tỷ đồng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.