(HNM) - Trên địa bàn Thủ đô, thời gian qua đã xuất hiện những mô hình du lịch nông thôn khá hiệu quả như các tour trang trại, làng cổ, làng nghề...
Thực tế cho thấy, hạn chế lớn nhất hiện nay là chưa có quy hoạch nên đa phần người làm du lịch nông nghiệp, nông thôn vẫn phải tự mò mẫm hướng đi. Điều này dẫn đến tình trạng có nơi, có chỗ phát triển du lịch nông thôn nhưng chưa gắn kết với chính địa phương nên các tài nguyên thiên nhiên, đặc trưng văn hóa bản địa (điều rất quan trọng đối với khách du lịch nước ngoài) chưa được khai thác triệt để, hiệu quả. Sâu xa hơn, chủ thể là nông dân - những người có vai trò đưa di sản văn hóa, sinh thái và chính nghề nghiệp của mình tham gia hoạt động du lịch nông thôn, nhưng thực tế họ vẫn có ít cơ hội thể hiện hoặc nếu có thì chưa thu được nhiều lợi ích...
Rõ ràng, nhận diện đầy đủ những hạn chế để tìm hướng phát triển bền vững là việc phải làm ngay. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, việc phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn ở Thủ đô không thể tách rời nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp. Cụ thể là phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, công nghệ cao và khai thác giá trị nông nghiệp truyền thống gắn với bảo tồn, phát huy nét văn hóa bản địa... Việc phải làm nữa là rà soát, quy hoạch, định hướng, xây dựng kế hoạch và đầu tư phát triển sản phẩm du lịch theo hướng liên kết vùng, trong đó cần chú trọng quy hoạch phát triển du lịch nông thôn gắn với chính sách phát triển nông thôn mới.
Điểm mạnh dễ nhận thấy hiện nay là Hà Nội đã có nhiều vùng quê, khu dân cư trở thành kiểu mẫu của đời sống nông thôn hoặc có những đặc sắc vùng miền có thể phát triển thành sản phẩm du lịch ấn tượng, xây dựng tour tuyến tham quan, để du khách khi đến Thủ đô không thể bỏ qua. Trong đó, những sản phẩm du lịch trải nghiệm hoạt động nghề nông cần được định hướng cụ thể, bài bản và phát triển trên cơ sở tiềm năng, bản sắc mỗi địa phương. Cũng có thể xây dựng mô hình du lịch theo quy mô làng (một dạng làng văn hóa - du lịch cấp địa phương), mà điểm nhấn là các làng cổ để du khách có thể tham gia các hoạt động của làng trong một thời gian nhất định với các dịch vụ cùng ăn ở, tham gia những hoạt động sinh hoạt cộng đồng với gia chủ (home stay).
Cùng với đó là từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý dịch vụ du lịch, mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ chính quyền địa phương, nhân dân nâng cao nhận thức về phát triển du lịch. Đồng thời, cần xây dựng quy ước trong khai thác du lịch, tránh làm ăn chộp giật như chèo kéo khách, cung ứng sản phẩm và dịch vụ kém chất lượng, dần làm mất đi bản sắc văn hóa địa phương.
Các doanh nghiệp lữ hành, khi xây dựng các chương trình du lịch nông thôn, cần nghiên cứu kỹ đặc điểm của từng địa phương và giữ mối liên hệ chặt chẽ với chính quyền, cư dân và du khách. Việc này cần được thực hiện trên cơ sở bảo đảm quan hệ giữa khai thác và phát triển bền vững tài nguyên, kết hợp yếu tố truyền thống với yếu tố hiện đại...
Mấu chốt, phát triển du lịch nông thôn phải coi trọng lợi ích của người dân, lấy lợi ích của cộng đồng lên trên hết, lấy văn hóa đặc trưng từng vùng miền làm nền tảng và thế mạnh để tạo sự khác biệt.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.